Thứ năm 02/01/2025 21:17

Năng lực ứng phó điều tra phòng vệ thương mại của doanh nghiệp đã có bước tiến

Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam tăng nhanh, đồng nghĩa năng lực ứng phó của doanh nghiệp đã có bước tiến.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Luật sư Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có cuộc trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương.

Năng lực ứng phó điều tra phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam đang dần được cải thiện. Ảnh: TTXVN

Thưa ông, số vụ việc hàng hoá xuất khẩu Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại đang gia tăng. Từ góc độ luật sư, ông có thể nêu năng lực ứng phó của doanh nghiệp, ngành hàng trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ của thị trường nước ngoài thời gian qua?

Có thể nói qua quan sát, chúng tôi thấy trong vòng 5 năm, từ 2018 đến nay, tổng số vụ việc phòng vệ thương mại hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt tăng mạnh, chiếm 65% tổng số vụ việc trong vòng 20 năm qua. Nhiều thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Hoa Kỳ, châu Á, châu Phi… liên tiếp khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại, vì thế đến nay, đã có nhiều mặt hàng của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại như thép, nhôm, gỗ, thuỷ sản... đã đặt ra những thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp, nhất là trong nỗ lực mở rộng, tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng.

Tuy nhiên, sau các va vấp ban đầu, đến nay, phải ghi nhận qua nhiều vụ việc chúng ta đã kháng kiện thành công, điều này cho thấy năng lực ứng phó phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, nhất là những ngành hàng xuất khẩu bị các thị trường nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất và sớm như ngành thép, ngành gỗ, ngành thuỷ sản.

Mặc dù vậy, năng lực ứng phó của các doanh nghiệp nhất là khu vực doanh ngihệp nhỏ và vừa trong nước còn nhiều hạn chế, do yếu về vốn, về quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo dõi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa mạnh dạn đầu tư nhiều vào máy móc để nâng cao năng suất.

Đặc biết, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động nỗ lực áp dụng các chứng chỉ như OHSAS về xây dựng về hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, chứng nhận FSC bảo vệ rừng, SMETA về trách nhiệm xã hội… nhằm tuân thủ các quy định của thị trường. Đó là những khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đứng trước các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Trước áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài, trong đó công tác cảnh báo sớm đã được đẩy mạnh. Ông đánh giá gì về công tác hỗ trợ này của Bộ Công Thương?

Luật sư Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng

Thực tế, ngoài năng lực, sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp trước các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của thị trường nước ngoài, chính sự vào cuộc từ cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công Thương có thể nói đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần lớn trong bảo vệ lợi ích, duy trì dòng chảy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Trong đó, Bộ Công Thương đã rất chủ động, tích cực trong công tác hoàn thiện các chính sách, quy định về hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại đã được hoàn thiện, các Luật quản lý Ngoại thương, Luật Cạnh tranh… và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành, đồng thời được cụ thể hóa trong một số đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.... Đây được coi là nền tảng, điểm tựa để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại ngày càng đa dạng, phúc tạp từ nước ngoài…

Bên cạnh đó, việc Bộ Công Thương tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ và/hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với doanh nghiệp.

Trong một số vụ việc cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trực tiếp cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác.

Bộ Công Thương cũng trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khi nhận thấy các cáo buộc không có cơ sở hoặc phát hiện trong hoạt động và kết luận điều tra có điểm chưa phù hợp với các quy định của WTO. Nếu biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO, Bộ Công Thương xem xét đưa vấn đề ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Những hoạt động hỗ trợ trên của Bộ Công Thương, tôi cho rằng đã mang lại những hiệu quả rất tích cực, giúp bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp cũng như duy trì được dòng chảy xuất khẩu hàng hoá; tránh gây ra những bất lợi cho hàng hoá xuất khẩu, cũng như tăng sức cạnh tranh hơn trên thị trường. Đặc biệt đã giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định về phòng vệ thương mại, từ đó doanh nghiệp đã ý thức rõ hơn việc chuẩn bị từ sớm, từ xa trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại của của thị trường xuất khẩu.

Thời gian tới, để phòng tránh các nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, theo ông doanh nghiệp cần lưu ý gì và Bộ Công Thương cần đẩy mạnh công tác nâng cao năng lực ứng phó phòng vệ thương mại như thế nào cho cộng đồng doanh nghiệp?

Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các thông tin về các vụ điều tra phòng vệ thương mại thông qua các cơ quan thương mại của Việt Nam tại các nước là đối tác xuất khẩu. Tiếp đó là thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) là đầu mối nắm tất cả các vụ kiện. Đặc biệt là liên hệ phối hợp với văn phòng luật sư/ Công ty Luật để tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật các thông tin quan trọng về diễn biến thị trường thường xuyên cho doanh nghiệp.

Dù mỗi thị trường khác nhau sẽ có cách điều tra khác nhau, tuy nhiên, điểm chung mà họ đều nhắm tới ở các vụ kiện đó là vùng nguyên liệu, sản xuất bán hàng của doanh nghiệp. Đây là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm cũng như phải chuẩn bị ngay từ đầu để có cách ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần tăng cường đổi mới, đa dạng hóa, tiến bộ hóa chất lượng mẫu mã ngành hàng xuất khẩu; chuẩn bị nguồn nhân lực của doanh nghiệp có hiểu biết liên quan tới phòng vệ thương mại và hệ thống quản trị liên quan như theo dõi nguyên liệu đầu vào, các chi phí thực tế… để chủ động ứng phó các tình huống có thể xảy ra trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại; đồng thời gia tăng cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ điều tra, giúp doanh nghiệp nắm rõ hơn các quy định pháp luật của từng thị trường để ứng phó hiệu quả...

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề: Phòng vệ thương mại