Nâng cao hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam
Lễ ký kết đánh dấu cột mốc quan trọng cho sự đồng hành lâu dài giữa Hội Nhi khoa Việt Nam và Công ty Pfizer để cùng hướng đến sự tiến bộ trong quản lý bệnh nhân nhi, góp phần tích cực vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Theo lãnh đạo Hội Nhi khoa Việt Nam, mục đích chính của dự án là hợp tác, hỗ trợ, nâng cao năng lực của nhân viên y tế trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thuộc lĩnh vực nhi khoa như: Hô hấp, sơ sinh, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, ngoại khoa… đồng thời, thông qua sự phối hợp liên chuyên khoa sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý, hiệu quả.
Số liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, viêm phổi, tiêu chảy và sốt rét là nguyên nhân gây ra khoảng 30% số ca tử vong toàn cầu ở trẻ em dưới 5 tuổi trong năm 2019. Tại Việt Nam, có 33.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được.
Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm phổi là nguyên nhân truyền nhiễm lớn nhất gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Viêm phổi đã giết chết 740.180 trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2019, chiếm 14% tổng số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng chiếm 22% tổng số ca tử vong ở trẻ em từ 1 đến 5 tuổi.
Hợp tác giữa Pfizer và Hội Nhi khoa Việt Nam hướng đến nâng cao năng lực của nhân viên y tế trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thuộc lĩnh vực nhi khoa |
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, PGS. TS. Trần Minh Điển - Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những biến động khó lường về mô hình bệnh tật, là yếu tố khách quan gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh nhi khoa so với trước đại dịch. Các bệnh lý nhiễm trùng vẫn đang tồn tại nhiều nhất tại Việt Nam trong mô hình bệnh tật, nhóm bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh dịch theo mùa vẫn cần phải được quan tâm cả hai khía cạnh dự phòng và điều trị. Các bệnh lý không lây nhiễm đang được nhắc đến như là một thử thách: Bệnh bẩm sinh, ung thư, bệnh gan thận mạn tính, béo phì, chấn thương… là gánh nặng không chỉ cho chính người bệnh mà còn cho mỗi gia đình, cho toàn xã hội.
“Câu hỏi đặt ra là làm thế nào phân bố nguồn lực để đảm bảo trẻ em được khám chữa bệnh công bằng, hiệu quả, chất lượng. Trong các yếu tố nguồn lực thì chất lượng nhân lực là quan trọng nhất trong tình hình hiện nay, đó chính là các bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong lĩnh vực nhi khoa” - PGS. TS. Trần Minh Điển cho biết.
Lãnh đạo Hội Nhi khoa Việt Nam mong muốn được chung tay cùng các đơn vị, tổ chức nâng cao được kiến thức, kỹ năng, thái độ của bác sĩ, điều dưỡng nhi khoa, giúp cải thiện hơn nữa công tác khám chữa bệnh cho trẻ em mọi vùng miền tại Việt Nam. “Chúng tôi mong rằng thông qua biên bản ghi nhớ giữa hai bên sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, tăng cường triển khai có hiệu quả các hoạt động nhằm thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe hướng tới cải thiện sức khỏe trẻ em Việt Nam” - PGS. TS. Trần Minh Điển kỳ vọng.
Ông Darrell Oh, Tổng giám đốc Pfizer Việt Nam cho biết, hiện nay, các bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn đang tạo những thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới và thuốc kháng sinh là lĩnh vực điều trị trọng tâm được Pfizer chú trọng hàng đầu. Chính vì vậy, nâng cao năng lực về quản lý bệnh nhi cũng như ứng dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh an toàn, hợp lý, hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống y tế. “Pfizer cam kết đồng hành với Hội Nhi khoa Việt Nam trong công cuộc bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như sức khỏe trẻ em tại Việt Nam”- ông Darrell Oh khẳng định.
Lãnh đạo Pfizer Việt Nam cũng cho hay, là một trong những công ty sinh học dược phẩm hàng đầu thế giới, Pfizer có thế mạnh trong các lĩnh vực điều trị đa dạng như nhiễm khuẩn, ung thư, bệnh hiếm, miễn dịch và viêm, thuốc nội khoa và tim mạch, cũng như vaccine. “Chúng tôi không ngừng theo đuổi những đột phá làm thay đổi cuộc sống của bệnh nhân. Với sự hiện diện và quy mô toàn cầu của mình, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra sự khác biệt nhằm hướng tới một tương lai khỏe mạnh hơn” - ông Darrell Oh nói.
Dự án hợp tác giữa Hội Nhi khoa Việt Nam và Công ty TNHH Pfizer Việt Nam sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2023 - 2026 với nhiều hoạt động như chuỗi hội nghị, hoạt động đào tạo trực tuyến trên phạm vi toàn quốc.