Nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam - Campuchia
Quan hệ thương mại tăng trưởng đột phá
Số liệu thống kê cho thấy, trong 3 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam - Campuchia có sự tăng trưởng đột phá. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD, năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD và năm 2022 đạt 10,57 tỷ USD. Đặc biệt, cán cân thương mại giữa hai nước đang ngày càng cân bằng hơn.
Trong khi đó, Việt Nam hiện có 201 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký 2,94 tỷ USD, đứng thứ nhất trong ASEAN và thứ 5 trong số các nước đầu tư vào Campuchia.
Vừa qua, nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 20 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật từ ngày 20 đến 22/3.
Được biết, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Prak Sokhonn được tiến hành sau khi hai nước đã phối hợp triển khai thành công nhiều hoạt động thiết thực trong năm 2022 để chào mừng Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam 2022, kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967-24/6/2022). "Kể từ khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia (năm 2016), đây là lần thứ 3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Prak Sokhonn thăm chính thức Việt Nam" - Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng thông tin.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho biết, chuyến thăm lần này được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia, nhất là sau khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát và hai nước đã mở cửa đất nước hoàn toàn trờ lại.
Thúc đẩy quan hệ song phương
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Prak Sokhonn sẽ chào xã giao Lãnh đạo cấp Việt Nam, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, và cùng Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 20 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật. Kết thúc phiên họp, hai bên sẽ ký Biên bản thỏa thuận kỳ họp lần thứ 20.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đã gây tác động nhiều mặt cho cả Việt Nam và Campuchia hơn 3 năm qua, Kỳ họp lần thứ 20 Ủy ban Hỗn hợp hai nước lần này sẽ đóng vai trò rất quan trọng, là dịp để hai bên cùng nhau rà soát lại tổng thể và xác định những biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương.
Với gần 30 lĩnh vực hợp tác giữa hai bên trong nội dung Biên Bản thỏa thuận Kỳ họp lần thứ 20 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia, các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ là những nội dung ưu tiên trong Kỳ họp.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trao đổi với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn bên lề AMM-55 tại Campuchia |
Cùng với đó, Việt Nam - Campuchia sẽ trao đổi các biện pháp tăng cường kết nối hai nền kinh tế, tiếp tục thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương, trong đó có thương mại biên giới, hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên, tạo điều kiện hơn nữa cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai nước, tiếp tục tăng cường hợp tác du lịch, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của mỗi nước sau đại dịch.
Trên cơ sở đó, Việt Nam - Campuchia sẽ tiếp tục cùng nhau xây dựng và sớm thông qua Đề án kết nối hai nền kinh tế từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để chỉ đạo quan hệ hợp tác và triển khai kế hoạch hợp tác cụ thể cho phù hợp với điều kiện của hai nước cũng như bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực.
Đặc biệt coi trọng việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, vì đây là lĩnh vực thế mạnh của cả hai nước. Hai bên cũng sẽ phối hợp rà soát để sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, hệ thống các văn bản pháp lý theo hướng thông thoáng, có dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh, thương mại… khuyến khích các doanh nghiệp của hai bên đẩy mạnh đầu tư vào thị trường của nhau.
Đồng thời, sẽ rà soát lại tất cả các dự án đầu tư còn hiệu lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; kiên quyết loại bỏ hoặc cắt giảm những dự án kém hiệu quả, gây thiệt hại cho cả hai bên.
Trong thời gian tới, để quan hệ hai nước không ngừng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng chia sẻ, hai nước Việt Nam - Campuchia cần tập trung vào một số việc trọng tâm.
Một là, tiếp tục duy trì và phát huy quan hệ tốt đẹp về chính trị để định hướng tổng thể quan hệ giữa hai nước. Hai bên cần quan tâm gìn giữ và không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược, ý nghĩa sống còn của quan hệ Việt Nam-Campuchia đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước trong tình hình mới. Củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Hai là, tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đối ngoại, góp phần bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển của mỗi nước. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần tạo thuận lợi để Campuchia tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa 7 (tháng 7/2023), Sea Games 32 và Paragames 12. Thường xuyên tham vấn lẫn nhau để ủng hộ và hỗ trợ nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của hai nước.
Ba là, Việt Nam và Campuchia cần đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của mỗi nước; hợp tác kinh tế phải trở thành nguồn lực và nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững của quan hệ hai nước.
Bốn là, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế và khoa học - kỹ thuật. Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước; đồng thời, tiếp tục coi trọng, thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo và y tế.
Năm là, tiếp tục phát huy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức nhân dân hai nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn nữa.