Nam sinh viên Hà Nội bỏ lại dép, thư tuyệt mệnh dọa người yêu bị xử lý như thế nào?
Ngày 5/7, Báo Công Thương đăng thông tin, người dân khu vực hồ Tân Xã, xã Tân Xã huyện Thạch Thất, Hà Nội phát hiện đôi dép màu đen và thư tuyệt mệnh để lại bờ hồ.
Sự việc gây xôn xao dư luận, buộc cơ quan chức năng địa phương và Công an vào cuộc xác minh, tìm kiếm người liên quan đến đôi dép và bức thư.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, hành vi của nam sinh viên cần phải lên án và xử lý nghiêm để răn đe vì đã gây hoang mang dư luận. |
Tại hiện trường, đôi dép màu đen kèm bức thư màu trắng với nội dung gửi lại cho một cô gái thể hiện sự than phiền, buồn bã liên quan đến tình cảm.
Trong thư, nam thanh niên nói rằng rất muốn bên cạnh cô gái mãi mãi, nhưng để giải thoát cho cô gái, anh này chọn cách "ra đi" để cô gái được thoải mái và hạnh phúc hơn.
Vào cuộc xác minh, nhà chức trách địa phương xác định đôi dép và bức thư tuyệt mệnh là của sinh viên Trường Đại học Lâm Nghiệp để lại nhằm mục đích dọa người yêu khi cả hai đang mâu thuẫn chuyện tình cảm. Việc này khiến nhiều người lên án vì hành vi của nam sinh viên đã khiến hoang mang dư luận, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, hành vi dàn dựng, tạo hiện tường không đúng sự thật có thể sẽ có tác hại gây hoang mang cho người thân, gia đình, dư luận và cộng đồng."Hành vi này cần phải lên án và xử lý theo quy định pháp luật để răn đe, góp phần bảo vệ cộng đồng và xã hội", Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Sự việc nam sinh viên Đại học Lâm Nghiệp bỏ lại dép và thư tuyệt mệnh bên hồ Tân Xã dọa người yêu đã gây xôn xao dư luận địa phương. |
Việc dàn dựng tạo hiện trường không đúng sự thật (bao gồm hành vi giả vờ nhảy cầu tự tử) có thể sẽ khiến cho các cơ quan chức năng phải huy động lực lượng để tìm kiếm, cũng như điều tra, xác minh về vụ việc, gây mất thời gian, công sức của rất nhiều người, tốn kém cho ngân sách Nhà nước, tạo dư luận hoang mang, tiêu cực trong xã hội.
Quá trình tìm kiếm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn không chỉ khó khăn, vất vả mà còn có thể đối mặt với nhiều mối nguy hiểm thường trực, có thể bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe. Như vậy, việc dàn dựng tạo hiện trường không đúng sự thật là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, về độ tuổi chịu bị xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý.
Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ tại Khoản 1 Điều 5 Văn bản hợp nhất của Luật xử lý vi phạm hành chính 2022.
Nếu chưa đủ độ tuổi thành niên thì sẽ xử lý theo nguyên tắc xử lý tại điều 134 Văn bản hợp nhất của Luật xử lý vi phạm hành chính 2022.
Theo đó, trường hợp này có thể sẽ bị thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội,…
Trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm đã đủ tuổi xử phạt vi phạm hành chính, có hành vi cố tình báo tin giả về sự cố, tai nạn cho lực lượng chức năng thì có thể bị xử lý về hành vi “Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả” theo Điểm b Khoản 2 Điều 42 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.