Năm 2024, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phấn đấu thực hiện 2.000 căn hộ nhà ở xã hội
Nhà ở là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đã đề cập nhiều nội dung để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng về nhà ở cho công dân, phát triển nhà ở xã hội.
Năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội |
Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương, doanh nghiệp cả nước đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giúp cho hàng chục nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hộiđã được triển khai với quy mô hơn 411 nghìn căn hộ (trong đó 72 dự án đã hoàn thành với quy mô hơn 38 nghìn căn; 129 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 115 nghìn căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô gần 259 nghìn căn).
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội so với đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 xem ra khó đạt được và còn không ít tồn tại, khó khăn cần khắc phục.
Vì vậy, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội.
Đóng góp vào thực hiện mục tiêu chung của cả nước, chia sẻ tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp, trong đó có đề xuất Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phấn đấu trong năm 2024 thực hiện 2.000 căn hộ.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới. Ngay sau khi Luật được thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định của luật đến cán bộ công đoàn chủ chốt, người lao động nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong hoạt động công đoàn cho vấn đề nhà ở của công nhân.
Từ khi luật thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai khảo sát ở 4 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Tiền Giang và TP. Hải Phòng; dự kiến trong quý II/2024, sẽ khảo sát tiếp ở 6 tỉnh. Sau quá trình khảo sát sẽ triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư và sau đầu tư...
Tuy nhiên, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phát biểu kết luận tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Cụ thể, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán. Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường… Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Tinh thần là "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn và tuân thủ pháp luật, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Một lần nữa Thủ tướng yêu cầu Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phấn đấu trong năm 2024 thực hiện 2.000 căn hộ nhà ở xã hội.