Năm 2024: Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, trong năm 2023, ngành du lịch đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm 2023.
Với sự phục hồi của hoạt động du lịch, các doanh nghiệp lữ hành quay trở lại thị trường và đăng ký mới tăng mạnh; một số doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu đã ghi nhận lượng khách đăng ký mua, sử dụng dịch vụ vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm; số lượng hướng dẫn viên gia nhập thị trường lao động tăng thêm, cũng như có nhiều cơ sở lưu trú du lịch cao cấp 4-5 sao được đưa vào hoạt động.
Cụ thể, đến hết năm 2023, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1.027 doanh nghiệp so với năm 2022. Về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố đã cấp mới 10.004 thẻ, đưa tổng số hướng dẫn viên du lịch trong cả nước lên con số 37.331. Về cơ sở lưu trú du lịch, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 buồng, trong đó có 247 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.896 buồng và 368 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 50.716 buồng.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: TTXVN |
Nhiều địa phương có lượng khách tăng trưởng mạnh trong năm như: Hà Nội ước đón 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022; Bà Rịa-Vũng Tàu ước đón hơn 14 triệu lượt khách, tăng 15,27%; Thanh Hóa ước đón 12,4 triệu lượt khách, tăng 12,5%; Khánh Hoà ước đón hơn 7 triệu lượt khách, tăng 170%; Quảng Nam ước đón hơn 7,5 triệu lượt khách, tăng 1,6 lần; Quảng Bình ước đón hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 2,14 lần; Bình Thuận ước đón 8,35 triệu lượt khách, tăng 45,98%; Quảng Ninh ước đón 15,56 triệu lượt khách, tăng 30,9%; Đà Nẵng ước phục vụ hơn 7,39 triệu lượt khách có lưu trú, tăng gấp 2 lần; Lâm Đồng ước đón 8,65 triệu lượt khách, tăng 15,3%.
Với những thành tựu đã đạt được, ngành du lịch Việt Nam vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín với 19 giải thưởng hàng đầu Thế giới và 54 giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (WTA) trao tặng. Trong đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ 5 trở thành ”Điểm đến hàng đầu châu Á”. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam lần thứ 4 được trao tặng danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”. Cũng tại đây, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá khác.
Bước sang năm 2024, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ngành du lịch toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tiếp tục gia tăng; xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn… Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế nhưng đi cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, thiên tai, bão lũ, tác động từ biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực.
Ngoài ra, nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.
Từ những phân tích, dự báo đó, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch...
Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh các công cụ pháp luật, cần tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch... theo quy định đã được phân cấp theo chức năng nhiệm vụ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là chuyên môn về ngoại ngữ, công nghệ. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tuyển công chức bổ sung đủ số lượng chỉ tiêu; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong cả năm và chủ động trong việc chuẩn bị và triển khai kịp tiến độ.