Năm 2024 dự kiến kiểm toán đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng
Thực hiện Phiên họp thứ 26, sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ |
Tại Phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh, với phương châm “làm ít nhưng chất”, hạn chế tối đa sự xuất hiện các đoàn kiểm toán trên 1 địa bàn, tránh chồng chéo, trùng lắp với cơ quan thanh tra, kiểm tra theo Nghị quyết 75/2022/QH15 của Quốc hội, kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn) so với năm 2022.
Ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước, kế hoạch kiểm toán đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn, chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời kịp thời bổ sung một số nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán cuộc kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó đã giảm đáng kể thời gian, nhân sự khảo sát, kiểm toán trực tiếp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán.
Đến 31/8/2023 toàn ngành đã xét duyệt 127 kế hoạch kiểm toán, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức xét duyệt 94 Dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 61 báo cáo kiểm toán.
Kết quả kiểm toán cho thấy còn có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai; quản lý doanh thu, chi phí; đầu tư vào một số đơn vị không hiệu quả; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho từng năm tại các Chương trình mục tiêu quốc gia được kiểm toán đều thực hiện chưa đạt; một số chính sách còn bất cập, chậm sửa đổi và chưa sát thực tế…
Sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 61 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, sơ bộ đến 31/8/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 48.227/71.605 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,3%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19/270 văn bản QPPL thay thế các văn bản không phù hợp; có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
Sẽ kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia
Trong năm 2024, Kiểm toán Nhà nước dự kiến lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả hiệu lực thực thi chính sách đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn, phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội, quản lý điều hành của Chính phủ
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán hoạt động và đa dạng hóa các chủ đề kiểm toán, trong đó lựa chọn một số chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm về quản lý, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, rác thải để thực hiện kiểm toán nhằm đánh giá công tác bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng; các dự án hạ tầng các khu kinh tế ven biển, các dự án cải tạo môi trường...
Về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tổ chức tài chính - ngân hàng có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước kết hợp với việc đánh giá công tác thực hiện quyền trách nhiệm của đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh… trong đó có các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như xăng dầu, khoáng sản.
Dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước bao gồm 123 nhiệm vụ kiểm toán so với 129 nhiệm vụ theo kế hoạch kiểm toán năm 2023.
Trong đó, ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và trình ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, kế hoạch kiểm toán năm 2024 như sau: Kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 34 bộ, cơ quan trung ương (đạt tỷ lệ 85%, năm 2023 là 68%).
Đồng thời, kiểm toán ngân sách địa phương, báo cáo quyết toán NSĐP tại 61 địa phương, trong đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt tỷ lệ 90,5%, năm 2023 là 83%); 8 nhiệm vụ kiểm toán hoạt động và 25 nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề (đạt tỷ lệ 27% tổng số cuộc kiểm toán năm 2024, năm 2023 là 23%).
21 nhiệm vụ kiểm toán dự án đầu tư; 13 nhiệm vụ kiểm toán lĩnh vực tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức tài chính, ngân hàng; 11 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quốc phòng; 6 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực an ninh, tài chính Đảng.