Năm 2023: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nộp ngân sách tương đương 9% tổng thu cả nước
Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), năm 2023, tổng doanh thu toàn Tập đoàn lập kỷ lục mới trong lịch sử hình thành và phát triển, khi đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6 nghìn tỷ đồng phá kỷ lục của năm 2022 (931,2 nghìn tỷ đồng) khi bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, sản lượng dầu khí suy giảm và biến động không ổn định của giá dầu thô, giá các sản phẩm dầu khí chủ lực (giảm từ 17- 30% so với năm 2022). Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu Chính phủ giao đều hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2023 từ 2 – 33%; có 6 chỉ tiêu tăng trưởng so với năm 2022.
Theo tính toán, tổng doanh thu của Petrovietnam tương đương 9,2% GDP cả nước; tổng nộp ngân sách chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023. Toàn Tập đoàn cũng dành 750 tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội trên mọi miền tổ quốc.
Các mỏ, công trình đưa vào khai thác sớm giúp tăng sản lượng khai thác dầu khí của năm 2023 |
Trong năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng tối đa hiệu quả và tối ưu chi phí, tiết kiệm từ: nguyên vật liệu, vận hành khai thác, chi phí quản lý/bán hàng, mua sắm trang thiết bị,...với giá rị ước đạt 3.072 tỷ đồng, vượt 37% so với kế hoạch.
Trong lĩnh vực sản xuất có 3 đơn vị là BSR, PVOIL và PVCFC của Petrovietnam đạt kỷ lục kể từ khi đi vào hoạt động với 7,3 triệu tấn xăng dầu và 950 nghìn tấn Urea. Trong đó, PVOIl tiếp tục lập kỷ lục về kinh doanh với 5,2 triệu m3 xăng dầu và PVGas với gần 2,5 triệu tấn kinh doanh LPG.
Cũng trong năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng thực hiện quản trị tốt danh mục đầu tư trong tất cả 05 lĩnh vực, tập trung các nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch, đẩy mạnh công tác giám sát, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án cấp bách. Giá trị thực hiện đầu tư đạt 31,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 (25,6 nghìn tỷ đồng).
Tập đoàn cũng hoàn thành đưa vào vận hành thương mại và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm: Dự án Thái Bình 2 được hồi sinh, hoàn thành và đưa vào hoạt động; vận hành Kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải; Ký kết các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc Chuỗi dự án khí-điện Lô B sau quá trình chuẩn bị nhiều năm. Hoàn thành đưa vào khai thác sớm 04 mỏ/công trình dầu khí.
PVOIL luôn đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào |
Nổi bật nhất trong năm 2023 phải kể đến việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 02 phát hiện dầu khí mới – ghi nhận dấu mốc quan trọng có 02 phát hiện dầu khí mới trong một năm đó là Lô 16-2, giếng khoan Hà Mã Vàng -1X và Lô PM3-CAA, giếng khoan Bunga Lavatera-1.
Cùng với đó, Petrovietnam cũng ghi dấu ấn trong việc phát triển chuỗi liên kết giá trị trong hệ sinh thái góp phần tích cực cho các đơn vị thành viên cùng nhau nghiên cứu các giải pháp nhằm tối đa nguồn lực, đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm mới. Trong đó nổi bật: BSR đã nghiên cứu, sản xuất và xuất bán thành công 3 sản phẩm mới: BOPP, RFCC Naphtha, MixC4 và tối đa chỉ số RON để tăng sản lượng xăng Mogas 95; PVChem phát triển các sản phẩm hóa chất, hóa dầu có giá trị cao, thân thiện với môi trường như sản xuất PP Filler Masterbatch/ Compound từ bột PP. Với tổng số 17 sáng kiến cấp Tập đoàn, 471 sáng kiến cấp cơ sở áp dụng vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh đã mang lại giá trị trên 1.246 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng tập trung đánh giá, nghiên cứu xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh. Trong đó hướng tới điện gió ngoài khơi để phát triển lĩnh vực công nghiệp năng lượng của Petrovietnam. PTSC đã cụ thể hóa chủ trương phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác với Công ty Sembcorp Utilities Ltd (SCU) đầu tư xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam. Đồng thời, Petrovietnam cũng tích cực mở rộng cơ hội hợp tác, xây dựng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Hiện Tập đoàn đang mở rộng tại Đài Loan (Trung Quốc) tiến tới mở rộng ra các nước trong khu vực.
Kho than tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 – Dự án “hồi sinh” sau nhiều năm triển khai. |
Với những kết quả đạt được, Petrovietnam tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng; cân đối vĩ mô và tham gia mạnh mẽ vào bình ổn thị trường; cung cấp nhiên liệu cho an ninh quốc phòng, đáp ứng trên 75% nhu cầu xăng dầu cả nước, đáp ứng trên 73% nhu cầu phân bón cả nước, trên 75% thị phần LPG cả nước và 20% thị phần nội địa trong kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Petrovietnam có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các hoạt động của Petrovietnam có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam.
Đồng thời, năm 2023, giá trị thương hiệu của PVN đạt gần 1,4 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so với năm 2019) với chỉ số sức mạnh thương hiệu ở mức AA-. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp PVN góp mặt trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Năm thứ 15 liên tiếp PVN góp mặt trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Trong năm 2023, cũng là năm thứ năm liên tiếp Petrovietnam được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings đánh xếp hạng tín nhiệm độc lập ở mức BB+ đã phản ánh chính xác về tình hình kinh doanh và tài chính vững mạnh của Petrovietnam với mức độ liên kết cao trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.