Năm 2018: Thành công trong điều hành chính sách tiền tệ
Điểm sáng nhất của chính sách tiền tệ năm 2018 phải kể đến việc điều hành cung tiền ra thị trường hợp lý, hiệu quả, tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô. Con số được Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy, đến hết ngày 20/12, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,30%. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ước tăng tín dụng cả năm 2018 vào khoảng 15%, thấp hơn mục tiêu 17% đưa ra đầu năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là dòng tiền đã đi đúng hướng, vào đúng các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chế biến, chế tạo. Hiện tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn đã tăng hơn 15%; tín dụng dành cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng hơn 14% so với cuối năm trước và đều cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng.
Tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo ổn định vĩ mô |
Nếu như những năm trước đó, tăng trưởng tín dụng thường khá cao để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô thì năm 2018, xu hướng này đã có sự thay đổi. Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, Ủy Ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho rằng, đối với thị trường ngân hàng, tốc độ tăng M2 và tín dụng đều có xu hướng giảm. Đến cuối năm 2018, M2/GDP ước khoảng 168%, tăng thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2012-2016. Tín dụng năm 2018 ước tăng 14-15%, thấp hơn 3-4 điểm % so với năm 2017. Tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 134%. Hệ số chênh lệch tín dụng/GDP tăng 1,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015. “Cung tiền, tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô”- đại diện NFSC nhận định.
Một mảng sáng nữa trong bức tranh ngân hàng năm 2018 là tình hình xử lý nợ xấu. Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đã giảm so với cuối năm 2017, ở mức 2,4% (năm 2017: 2,5%). Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017: 65,4%). Giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017. Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác. Một số ngân hàng đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 30% nợ xấu xác định tại thời điểm ngày 15/8/2017.
Năm 2019 được dự báo, nền kinh tế trong nước tiếp tục có nhiều cơ hội và động lực phát triển nhưng cũng sẽ tiềm ẩn không ít rủi ro, tác động từ bên ngoài. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, tăng trưởng tín dụng của năm tới nên tiếp tục duy trì mức tăng "vừa đủ" như năm naym từ 14-15%, đồng thời kiểm soát chặt hơn nữa chất lượng tín dụng, bởi nếu để tăng trưởng tín dụng và giá tài sản tăng mạnh có thể sẽ góp phần tạo nên những rủi ro mới trong hệ thống tài chính cũng như ảnh hưởng không tốt đến chất lượng tăng trưởng chung của nền kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ cho rằng, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 14-15% càng lâu càng tốt. Năm 2018, NHNN đặt ra mức 17% nhưng cuối năm tín dụng chỉ tăng khoảng 15%, và theo hướng này năm sau có thể thấp hơn. Trước diễn biến phức tạp kinh tế thế giới cũng như trong nước cần phải nắm chắc một van an toàn nhất, đó chính là van cung tiền. Hiện tại, NHNN đang nắm chắc van này và cần tiếp tục giữ nó, không nên quan tâm hay chạy đua theo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.