Mỹ tung ‘đòn kép’ nhắm đến Nga, tuyên bố ủng hộ Ukraine 'không lay chuyển'
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới với 400 cá nhân, thực thể ở Nga và các nước thứ ba
Theo TASS, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với gần 400 công ty, cá nhân ở Nga và các nước thứ ba vì hỗ trợ Moscow. Các lệnh trừng phạt lần này mở rộng đến các thực thể và cá nhân có liên quan đến Nga ở cả châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Các cá nhân trong danh sách trừng phạt mà Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 23/8 bao gồm cả con trai và vợ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Andrey Belousov, cùng một công ty tư vấn thuộc quyền sở hữu gia đình của họ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Andrey Belousov. Ảnh: TASS |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết: "Các công ty, tổ chức tài chính và chính phủ trên khắp thế giới cần đảm bảo rằng họ không hỗ trợ chuỗi cung ứng công nghiệp - quân sự của Nga".
Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong danh sách có gần chục mạng lưới riêng biệt bao gồm hơn 100 cá nhân và tổ chức trên 16 khu vực pháp lý, có thể kể ra là Trung Quốc, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đáng chú ý, 18 công ty có trụ sở tại Hồng Kông - Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ với ngành công nghiệp quân sự Nga, đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân.
Nga đã kiểm soát Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhia từ ngày 11/9/2022. Ảnh: TASS |
Theo tuyên bố của Bộ Tài chính, các lệnh trừng phạt nhắm vào hơn 60 công ty công nghệ và quốc phòng có trụ sở tại Nga, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Ngoài ra, Mỹ còn nhắm vào các chương trình vũ khí hóa học, sinh học cũng như các thực thể liên quan đến lĩnh vực kim loại và khai thác mỏ của Nga.
Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo các tổ chức tài chính ở các quốc gia khác "cần thận trọng về bất kỳ giao dịch nào với các chi nhánh hoặc công ty con ở nước ngoài của các tổ chức tài chính Nga".
Các biện pháp được ban hành hôm 23/8 có nghĩa rằng, bất kỳ tài sản hoặc quyền lợi nào đối với tài sản của những cá nhân và tổ chức bị liệt kê, trực tiếp hoặc gián tiếp, đều đã bị chặn và phải được báo cáo cho chính phủ. Bất kỳ giao dịch nào giữa công dân Mỹ - hoặc công dân nước ngoài tại Mỹ - với các cá nhân và tổ chức trong danh sách đen đều bị cấm.
Kể từ năm 2014, khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea, Washington và các đồng minh đã áp đặt hơn 22.000 lệnh trừng phạt đối với cường quốc này.
Ủng hộ Ukraine 'không lay chuyển’, Mỹ tiết lộ thêm gói viện trợ quân sự 125 triệu USD
Ngày 23/8, Nhà Trắng đã công bố thêm gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine, trị giá 125 triệu USD, nhằm tăng cường khả năng phòng không cho đất nước này. Theo Al Jazeera, Mỹ cũng khẳng định Nga "sẽ không thắng thế" ngay khi công bố về gói viện trợ. Được biết, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hàng chục tỉ USD viện trợ quân sự kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2/2022.
Quân đội Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao của Mỹ trên chiến trường Latvia tháng 9/2022. Ảnh: United States Armed Forces |
“Ukraine rất cần nguồn cung cấp vũ khí từ các gói đã công bố, đặc biệt là các hệ thống phòng không bổ sung để bảo vệ cho các thành phố, cộng đồng và cơ sở hạ tầng quan trọng” - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trên mạng xã hội.
Cùng ngày, chính quyền Mỹ thừa nhận, Washington đang thảo luận với Ukraine về triển vọng “mở rộng phạm vi tấn công vào lãnh thổ Nga bằng cách sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất”, ông John Kirby, người điều phối về truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.
"Như các bạn đã biết, Tổng thống Joe Biden đã cho phép chính quyền Ukraine sử dụng đạn dược của Mỹ qua biên giới để đối phó với các mối đe dọa sắp xảy ra. Nhưng chúng tôi vẫn đang đàm phán với họ", ông nói trong một cuộc họp báo thường kỳ khi được hỏi liệu Washington có cho phép Kiev sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công sâu hơn bên trong nước Nga hay không.
Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, ông Sabrina Singh phát biểu với báo chí hôm 22/8, nhấn mạnh việc sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công bên trong khu vực Kursk là “không trái với chính sách nước này”.