Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% còn nhiều thách thức
Khả quan hơn với kịch bản tăng trưởng 6,0%
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam của nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa đưa ra dự báo 3 kịch bản tăng trưởng trong năm 2023. Theo đó, ở kịch bản cao, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo đạt 6,5%; kịch bản cơ sở tăng trưởng 6,0% và kịch bản thấp là 5,5%.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là giải pháp tạo động lực tăng trưởng |
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện VEPR, kịch bản cơ sở với mức tăng trưởng dự báo 6,0% là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất trong điều kiện các yếu tố bên ngoài như xung đột Nga – Ukraine, sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam không gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Chính sách tài chính – tiền tệ được điều hành linh hoạt phù hợp, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.
Ở kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,5%, nhưng theo TS Nguyễn Quốc Việt, kịch bản này ít khả năng xảy ra, đặc biệt chỉ có thể xảy khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc là “cú húych” quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hồi phục kinh tế và các chính sách điều hành nhanh chóng phát huy hiệu quả.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Quốc Việt, nếu đạt được mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, thì 2 quý III và IV/2023 Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng 7,5%, thậm chí trên 8%.
“Điều này rất khó xảy ra bởi trong 5 năm trở lại đây, chỉ duy nhất năm 2017 có quý IV đạt tốc độ tăng trưởng 8,2%, nên kịch bản tăng trương năm 2023 với 6,0% là khả quan hơn, vì quý II/2023 với những diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp như hiện nay thì tăng trưởng kinh tế khó tạo bứt phá” – ông Nguyễn Quốc Việt khẳng định.
Nếu đạt được mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, thì 2 quý III và IV/2023 Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng 7,5%, thậm chí trên 8% |
Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là rất khó khăn.
Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 được VEPR dự báo chỉ đạt 5,5%, tuy ít có khả năng xảy ra, nhưng các chuyên gia kinh tế của VEPR cũng nhận định, nếu diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn, điều này không những sẽ gây cản trở tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2023 mà còn là hậu quả xấu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.
Đâu là động lực tăng trưởng những tháng cuối năm?
Theo ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng VEPR, cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam là trong năm 2023 các chính sách điều hành quyết của Chính phủ nhằm thúc đẩy kinh tế trong nước thời gian gần đây. Bên cạnh đó, nhiều ngành có điều kiện tăng cường xuất nhập khẩu trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại, hay làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư, và các Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết và thực thi tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.
TS. Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương nhận định, mặc dù khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra, nhưng Việt Nam vẫn còn dư địa để cải thiện tốc độ tăng trưởng trong năm 2023. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công vẫn được đánh giá là “cú huých” cho tăng trưởng, vì khi vốn đầu tư công được giải ngân sẽ cung ứng một lượng tiền lớn vào nền kinh tế, tạo áp lực giảm lãi suất cho thị trường vì tiền nhãn rỗi tăng lên thì tiền huy động sẽ giảm và lãi suất cho vay sẽ giảm. Còn nếu vướng giải ngân vốn đầu tư công thì khó có dư địa tăng trưởng và không kích thích được cầu tiêu dùng.
Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế của VEPR cũng khuyến nghị, trước hết, Chính phủ cần xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là vừa cân bằng giữa mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, phục hồi sản suất kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chính sách tài khóa, đặc biệt các gói hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tích cực. Chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái thích ứng với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.
Ngoài ra, cần quyết liệt nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của bộ máy công quyền các cấp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, thúc đẩy các chương trình nâng cao chất lượng doanh nghiệp, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh…