Mua hàng Online: 2 trở ngại lớn
Số người mua hàng online tăng
Tại Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam - Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - nhấn mạnh, tốc độ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam vào loại nhanh nhất khu vực. Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online. Đối với các DN, đây là câu chuyện chuyển đổi dịch vụ với khách hàng, cách thức “sống còn” trong giai đoạn này.
Nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua hàng qua mạng xã hội |
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - chia sẻ, khảo sát mua sắm trực tuyến năm 2019 của Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, 5 năm gần đây, TMĐT của Việt Nam tăng trưởng nhanh với tốc độ 25 - 30%/năm với 80% khách hàng đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, đồ điện tử, mỹ phẩm. Số hồ sơ Cục TMĐT và Kinh tế số nhận được để xin gia nhập thị trường mua sắm online lên đến 45.000 sàn.
Theo bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực phía Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các DN lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 62% ý kiến cho biết vẫn duy trì mua hàng trên mạng.
Chưa phát triển hết tiềm năng
Ông Lê Đức Anh cho hay, có 2 trở ngại khiến người tiêu dùng phân vân khi mua hàng trực tuyến, đó là sản phẩm kém chất lượng và giá không trung thực. “Hiện nay, nhiều người tiêu dùng muốn nhận hàng và kiểm tra xem có đúng với quảng cáo của DN hay không rồi mới trả tiền. Vì vậy, dù là giao dịch trực tuyến nhưng thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm đến 90%” - ông Lê Đức Anh chỉ ra. Mỗi năm, có khoảng 7.000 khiếu nại nói chung của khách hàng, khoảng 2.000 khiếu nại liên quan đến TMĐT. Tuy nhiên, những khiếu nại đó hầu hết xảy ra đã lâu nên khi gửi đến cơ quan nhà nước thì rất thiếu cơ chế để xử lý.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Quyền - Giám đốc Đối ngoại cấp cao, đại diện Tiki miền Bắc - cho hay, trong số 4,5 - 5 triệu đơn hàng/tháng của Tiki, số thanh toán online chỉ khoảng 40%, còn lại 60% là tiền mặt; trong khi tại Indonesia và Malaysia, số thanh toán online cho TMĐT khoảng 85%. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để người mua hàng tin tưởng vào các DN bán hàng online, giúp thúc đẩy TMĐT.Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, để phát triển mạnh mẽ xu hướng tiêu dùng online, thanh toán không dùng tiền mặt, cần phải đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số trong DN, xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Đồng thời, cần có một quy trình quản lý chất lượng bảo đảm, giữ được chữ tín đối với người tiêu dùng. Cùng với đó, các ngân hàng, cổng thanh toán và nhà mạng cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online; tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.
Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Mục tiêu của Chính phủ đặt ra đến năm 2025, có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số TMĐT khoảng 35 tỷ USD. Điều này hoàn toàn khả thi nếu Chính phủ có chính sách ưu đãi hỗ trợ các DN tiếp cận vốn, chuỗi giá trị bán hàng, chính sách thanh toán, bảo mật thông tin người tiêu dùng. |