Mồng Bốn Tết, hệ thống siêu thị Hapro đồng loạt mở cửa bán hàng
Khách mua hàng tại siêu thị HaproMart Thanh Xuân sáng ngày mồng Bốn Tết Mậu Tuất |
Phó Tổng Giám đốc Hapro Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân dịp trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018, ngoài việc phục vụ người dân tại hơn 60 điểm bán lẻ thuộc hệ thống Hapromart, Haprofood, hệ thống cửa hàng chuyên doanh (thời trang, kim khí điện máy,…), hệ thống cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam, Bắc Thăng Long… Hapro còn thực hiện chương trình bình ổn giá với 20 điểm bán hàng bình ổn giá.
Với trách nhiệm là đơn vị thương mại chủ lực thực hiện bình ổn giá của Thủ đô, Hapro đã dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu để cung ứng ra thị trường, đảm bảo ổn định giá bán các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá. Do vậy, mặc dù những ngày cận Tết, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống có biến động, như giá thịt lợn, giá gà tăng 8 đến 10%, nhưng hệ thống siêu thị của Hapro vẫn ổn định giá bán phục vụ người dân- bà Nguyễn Thị Hải Thanh cho hay.
Nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, từ ngày mồng Một, mồng Hai và mồng Ba Tết, Hapro đã mở bán một số cửa hàng tại khu vực phố cổ. Ngày mồng Bốn Tết, toàn bộ hệ thống kinh doanh của Tổng công ty đã đồng loạt mở cửa phục vụ nhân dân. Theo Phó Tổng giám đốc Hapro Nguyễn Thị Hải Thanh, tổng doanh thu trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 của toàn Tổng công ty Hapro tăng 10% so với Tết Đinh Dậu 2017.
Bên cạnh hoạt động thương mại nội địa, xuất nhập khẩu cũng là thế mạnh của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Cùng với không khí đón Xuân tràn ngập khắp nơi, ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2018, Hapro đã xuất khẩu trên 500 container các mặt hàng: gạo, hạt điều, cơm dừa, hạt tiêu, quế, hàng thủ công mỹ nghệ gốm sứ…, với điểm đến là các thị trường: Philippines, Trung Quốc, Algery, Arab Saudi, Pakistan, Thái Lan, Mỹ, Hà Lan, Tunisia, Syria, Tiểu vương quốc các nước Ả rập UAE, Nhật, Úc, Israel…