Thứ hai 28/04/2025 18:21

Mọi người dân đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế

Đó là thông điệp ý nghĩa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra tại “Chương trình Chia sẻ tầm nhìn 2019” diễn ra tại Hà Nội vào sáng 30/1/2019. Đây đồng thời cũng là mong muốn của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong suốt những năm qua, cũng như chặng đường sắp tới.  

Bước tiến dài sau hơn 30 năm

Việt Nam đã có hơn 30 năm đổi mới (1986-2019). Trong con mắt của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 30 năm đó, Việt Nam đã tiến được một bước rất dài. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, với trên 80% dân số sống ở nông thôn, Việt Nam đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước; vươn lên trở thành nước có mức thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động; quy mô và tiềm lực kinh tế không ngừng lớn mạnh; đời sống người dân ngày càng được nâng cao; khẳng định được vị thế, vai trò của đất nước trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh Đức Trung-MPI)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, về kinh tế, chúng ta đã duy trì được tốc độ phát triển khá trong thời gian dài, bình quân giai đoạn 1989-2018, tốc độ tăng GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 6,8%, là mức cao trong khu vực ASEAN. (Cụ thể, GDP bình quân thời kỳ 1989-2017 của Malaysia là 5,9%; Indonesia là 4,9%; Thái Lan là 4,6% và Philippin là 4,5%). Quy mô nền kinh tế đã tăng 38,9 lần (từ 6,3 tỷ USD vào năm 1989 lên 244,9 tỷ USD vào năm 2018); GDP bình quân đầu người tăng gấp 27,4 lần (từ 94 USD vào năm 1989 lên tới 2.587 USD vào năm 2018).

Tăng trưởng là vậy, song so với một số nước trong khu vực, quy mô nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Dẫn chứng là tại thời điểm 2017, GDP của Indonesia lớn hơn gấp 4,5 lần GDP Việt Nam; Thái Lan gấp 2 lần; Malaysia gấp 1,4 lần; Hàn Quốc gấp 6,8 lần; Trung Quốc gấp 54,7 lần.

Mặc dù đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, nhưng Việt Nam thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Năm 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam xếp thứ 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1990; Thái Lan năm 2013; Indonesia năm 2009…

"Qua đó có thể thấy, đất nước chúng ta ngày càng phát triển và lớn mạnh, chúng ta đã tiến xa hơn rất nhiều so với quá khứ. Nhưng nếu so với quốc tế, chúng ta chưa thấm gì so với sự thay đổi và phát triển như vũ bão của thế giới, của các nước vốn dĩ trước đây cùng mức độ phát triển như chúng ta. Quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, chất lượng tăng trưởng còn thấp, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao, năng suất lao động còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, nguy cơ tụt hậu so với thế giới còn luôn hiện hữu”- Bộ trường Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Việt Nam đạt được bước tiến dài sau hơn 30 năm đổi mới

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao sau khi thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ vào năm 2015 nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam đã xây dựng các tiếp cận đúng đắn, lấy tăng trưởng kinh tế làm nền tảng, tạo nguồn lực để thực thi hiệu quả các chính sách xã hội, kết hợp giữa hỗ trợ của nhà nước đối với người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội với tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ những phân biệt trong xã hội; tạo điều kiện để mọi người được hưởng lợi công bằng từ thành quả kinh tế.

Việt Nam được xem như là một quốc gia hình mẫu thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đạt kết quả ấn tượng hoàn thành mục tiêu Thiên nhiên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn, tỷ lệ nghèo về thu nhập giảm liên tục, từ 58,1% vào năm 1993 (tương đương trên 40 triệu người nghèo) xuống còn 5,35% vào năm 2018 (tương đương gần 5 triệu người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều). Đã có hàng chục triệu người thoát nghèo trong gần 30 năm qua. Đạt được kết quả này là nhờ có sự chung tay của nhà nước, của toàn dân, và nhất là nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng ý chí, quyết tâm của chính những người nghèo.

Hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng 4.0 mang lại cả cơ hội, thách thức cho Việt Nam

Mặc dù vậy, số lượng người thiệt thòi, yếu thế vẫn còn nhiều trong xã hội. Trong số đó, phải kể đến 30,3 nghìn trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trên 1,5 triệu người cao tuổi; trên 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; gần 98 nghìn người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo… được nhận trợ giúp xã hội.

Điều đó có nghĩa, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, chúng ta còn phải đặc biệt quan tâm đến công tác xã hội, hướng tới mục tiêu lớn là phát triển xã hội công bằng và hòa nhập, thực hiện thành công chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 với đường lối chủ yếu là lấy con người làm trọng tâm của phát triển, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Mọi chính sách đều phải hướng tới hạnh phúc của người dân.

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng, cùng với xu hướng toàn cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang mang lại cơ hội và những thách thức mới cho nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, để không ai bị bỏ lại phía sau, bên cạnh những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bản thân mỗi người dân Việt Nam cần chủ động học hỏi, trau dồi kỹ năng, có khát vọng vươn lên, khát vọng khẳng định bản thân mình, đồng thời có tinh thần dân tộc mãnh liệt, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Nguyễn Hòa

Tin cùng chuyên mục

Nhật Bản muốn triển khai 15 dự án chuyển đổi năng lượng

Tại sao các thành phố trực thuộc tỉnh kết thúc hoạt động?

Tạo hành lang pháp lý cho trung tâm tài chính quốc tế

Điện Biên chốt phương án sắp xếp xã, phường, tinh gọn bộ máy

Đề xuất tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Quy định nhập quốc tịch Việt Nam có gì mới?

Việt Nam - Nhật Bản: Thúc đẩy hợp tác chuyển dịch năng lượng

Sau sắp xếp, dự kiến cả nước còn bao nhiêu xã, phường?

56 khối diễu binh ấn tượng trong đại lễ 30/4

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nhật Bản

Thông tin mới về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Xử lý vi phạm hành chính: Dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa

Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam, thêm cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp

Thủ tướng chủ trì họp bàn xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế

Khai trương Trung tâm báo chí và phát hành bộ tem đặc biệt chào mừng 30/4

Chùm ảnh: Tổng duyệt diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 30/4

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp đường sắt

Bộ, ngành gợi mở hướng phát triển để Sơn La bứt phá

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Bổ sung thẩm quyền cấp xã

Kinh tế xã hội 50 năm: Góc nhìn học thuật và thực tiễn