Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Chặng đường 90 năm vẻ vang
Tham dự Lễ kỷ niệm có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại TP.Hà Nội; các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Lễ Kỷ niệm có sự tham dự của đông đảo đại biểu và các khách mời |
MTTQ Việt Nam và những dấu mốc lịch sử
Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Dưới ngọn cờ của các tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất, nhân dân ta đã đoàn kết tiến hành các phong trào đấu tranh cách mạng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "MTTQ phải chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng”. |
Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh ngày 19/5/1941 là bước trưởng thành vượt bậc của Mặt trận về cả đường lối, tổ chức và hoạt động, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử. Sau ngày 2/9/1945, Mặt trận Việt Minh đã sát cánh cùng với Đảng, Chính phủ phát động nhân dân diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, chống giặc ngoại xâm, chuẩn bị các điều kiện cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Mặt trận Việt Minh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt, thành lập ngày 29/5/1946) và sau này thống nhất thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt, thành lập ngày 3/3/1951) đã đoàn kết toàn dân, tiến hành cuộc kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”.
Màn hát múa chào mừng Lễ Kỷ niệm |
Sau Hiệp định Geneva, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Ở miền Bắc, MTTQ Việt Nam (thành lập ngày 10/9/1955) đã động viên mọi tầng lớp nhân dân thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (thành lập ngày 20/12/1960) và Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam (thành lập ngày 20/4/1968) đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc và mọi người dân yêu nước, tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân.
Từ ngày 31/1 đến 4/2/1977, tại TP. Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành một Mặt trận Dân tộc thống nhất của cả nước, lấy tên là MTTQ Việt Nam – Đây là bước ngoặt quan trọng của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho MTTQ Việt Nam |
Làm cho Mặt trận ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn
Trong bài diễn văn tại Lễ Kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Lịch sử ra đời, hoạt động, phát triển và trưởng thành của MTTQ Việt Nam 90 năm qua gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc và của Đảng ta, đã góp phần làm nên nhiều kỳ tích rất vinh quang cho đất nước trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Với vai trò, vị trí của mình, MTTQ Việt Nam đã trở thành cầu nối vững chắc giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, không một thế lực nào có thể chia cắt được.
Trước tình hình thế giới và khu vực vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đang tác động đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước..., Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Mặt trận cần thực sự tham gia vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách, pháp luật chứ không chỉ làm nhiệm vụ động viên, kêu gọi, tổ chức các phong trào. Đây cũng chính là cách làm cho Mặt trận mới hơn, ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. “Mặt trận phải phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Gần hơn nữa, Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân. Việc Mặt trận đứng ra đóng vai trò chủ trì vận động, tổ chức để nhân dân đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu quả và tác động trực tiếp đến tham nhũng, đồng thời sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động phòng, chống tham nhũng của các thiết chế khác trong hệ thống chính trị” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Cùng chung niềm vui của những người đã dành gần trọn những năm tháng thanh xuân cho công tác Mặt trận, phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cởi mở chia sẻ về việc xây dựng hình ảnh Người cán bộ Mặt trận trong lòng dân: "Muốn muốn được Đảng tin, dân mến thì không thể hô hào suông, mà phải xắn tay vào công việc, phải “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”; phải tăng cường đối thoại; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của Mặt trận hướng về cơ sở. Bên cạnh việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đội ngũ làm công tác Mặt trận, người cán bộ phải tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân.
Tại Lễ Kỷ niệm, ghi nhận những thành tích xuất sắc của MTTQ Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương - đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho MTTQ Việt Nam.