Mạo danh Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra Bộ Công an để chạy án, đòi nợ thuê
Mạo danh Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra Bộ Công an để đòi nợ thuê
Ngày 29/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra thông báo truy tìm bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan vụ án “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”.
Trước đó, ngày 27/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Trần Quốc Do (làm nghề tự do, sinh năm 1984, ngụ tỉnh Hà Tĩnh, trú quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”.
Kết quả điều tra xác định, Trần Quốc Do không phải là cán bộ công an nhưng sử dụng tên là Trần Thiên Lượng, giả danh là Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra Bộ Công an phụ trách phía Nam. Việc này nhằm tạo danh nghĩa để nhận đòi nợ thuê, chạy án, chạy xin việc làm, chạy dự án và xin giấy phép kinh doanh… thực hiện hành vi trái pháp luật.
Hoãn phiên xử nhóm "chạy án" hàng trăm nghìn USD cho "trùm" mua bán hóa đơn
Ngày 29/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo trong vụ “chạy án” cho "trùm" mua bán hóa đơn giá trị gia tăng Nguyễn Hoài Sơn. Các bị cáo bị xét xử về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử đã phải tạm hoãn phiên tòa đã phải rời ngày xét xử sang 19 và 20/9 tới đây.
Phiên tòa xét xử vụ án |
Lý do rời ngày xét xử vụ “chạy án” giá hàng trăm nghìn USD cho ông “trùm” buôn bán hóa đơn trái phép được Tòa án cho biết là vì người thân của một bị cáo lừa đảo trong vụ án đề nghị hoãn tòa để mời luật sư bào chữa. Ngoài ra có số bị cáo liên quan đến vụ án ông “trùm” buôn bán hóa đơn ở địa phương khác, chưa trích xuất được.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố bị cáo Đoàn Thị Bích Liên (SN 1971, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) và bị cáo Trần Gia Hòa (SN 1977, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bị cáo Nguyễn Thanh Toàn (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nước giải khát cà phê Lekofe) cùng 10 bị cáo khác bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”. Bị cáo Đỗ Văn Đức (Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Yuki), bị cáo Nguyễn Doãn Hào (SN 1981, trú tại TP Hồ Chí Minh) và hai bị cáo khác bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ”.
Hành vi phạm tội của 17 bị cáo trong vụ án được xác định xảy ra tại thành phố Hà Nội và một số địa phương khác.
Vụ án này được phát hiện từ việc cơ quan chức năng triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố.
Đấu giá đất huyện Phúc Thọ “chạm đỉnh” 60 triệu đồng/m2
Sáng 29/8, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tổ chức buổi đấu giá đối với 39 lô đất, trong đó 30 lô thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc và 9 lô thuộc khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc.
Trong đó, 30 lô khu Dộc Tranh có diện tích 96-148 m2, giá khởi điểm hơn 23 triệu đồng/m2. Các lô thuộc xã Thọ Lộc có giá khởi điểm gần 20 triệu đồng/m2, diện tích khoảng 134 m2/lô. Người tham gia phải đặt trước 20% giá khởi điểm của thửa đất, tương đương 450-700 triệu đồng mỗi lô.
Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ, phiên đấu giá thu hút hơn 350 người tham gia với 650 hồ sơ đăng ký hợp lệ.
Kết quả, toàn bộ 39 lô đất đều đã bán đấu giá thành công sau hơn 1 tiếng, giá trúng thấp nhất là 24,6 triệu đồng/m2, cao nhất 60,2 triệu đồng/m2.
Lô đất trúng đấu giá cao nhất có diện tích gần 149 m2, giá khởi điểm 23,4 triệu đồng/m2. Như vậy giá trúng đấu cao gấp 2,6 lần mức khởi điểm. Tổng giá trị lô đất này sau đấu vào khoảng 9 tỷ đồng.
Giá trúng và khởi điểm trong phiên này có biên độ chênh lệch thấp hơn so với 2 phiên đấu giá trước đó ở Thanh Oai và Hoài Đức (12,5-18 lần). Nguyên nhân là giá khởi điểm tại phiên đấu giá huyện Phúc Thọ ở mức cao, số tiền đặt cọc ở cũng cao tương ứng, trong khi các phiên trước đó đều có giá khởi điểm thấp, chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/m2.
Uỷ ban nhân dân huyện Phúc Thọ cho biết khu đất đấu giá xã Trạch Mỹ Lộc và Thọ Lộc có tổng cộng 80 thửa đất. Đây là phiên đấu giá đầu tiên với số lượng 39 lô, huyện sẽ tổ chức thêm 2 đợt đấu giá tiếp theo cho các lô đất còn lại vào ngày 10/9 và 17/9.
Thị trường đấu giá đất nền tại Hà Nội "nóng" lên từ đầu tháng 8, đặc biệt sau hai phiên đấu giá tại Thanh Oai và Hoài Đức. Giá đất trúng đấu cao nhất tại Thanh Oai vượt 100 triệu đồng/m2, tại Hoài Đức vượt 133 triệu đồng/m2. Mức trúng cao bất thường khiến nhiều nhà đầu tư, chuyên gia cho rằng có dấu hiệu thổi giá, trục lợi.
Trước đó, ngày 21/8, Thủ tướng ra công điện yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất. Ngay sau đó, 2 phiên đấu giá đối với 52 lô đất ở Hoài Đức buộc phải tạm dừng, chờ các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh các hành vi thổi giá (nếu có) tại phiên đấu trước đó.
Mới đây nhất, phiên đấu giá 27 lô đất tại Hà Đông cũng phải tạm dừng và chưa xác định ngày tổ chức lại.