Thứ tư 27/11/2024 15:16

Mạnh tay xử lý hàng nhái, hàng giả

Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh nhưng các vụ việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra rất phổ biến. Bên cạnh những kẽ hở của luật pháp thì việc người tiêu dùng vẫn chưa hiểu đúng về quyền lợi của mình cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng trên. Phóng viên báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Bính - Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Tổng cục Quản lý thị trường xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, gần đây, sữa, dược phẩm, thực phẩm chức năng… được đánh giá là những mặt hàng rất “nóng” trên mặt trận hàng nhái hàng giả. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về thực trạng này?

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19, tình trạng kinh doanh, vận chuyển, sản xuất, nhập khẩu, nhập lậu các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, các sản phẩm dược, đặc biệt là thuốc đông y diễn ra rất phức tạp. Các đối tượng vi phạm thường lợi dụng tâm lý người tiêu dùng không muốn đi khám, không muốn đến bệnh viện, muốn mua các sản phẩm từ tự nhiên để bảo vệ sức khỏe tốt hơn và không ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, vì vậy nên gian lận, trà trộn bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử cũng như môi trường kỹ thuật số khác.

Ông Vũ Xuân Bính - Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Tổng cục Quản lý thị trường

Đặc biệt, trên môi trường mạng xã hội, trong thời gian qua, chúng tôi theo dõi và thấy rằng nhiều cơ sở, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, thậm chí là các cá nhân đã quảng cáo, bày bán nhiều loại thực phẩm chức năng và thuốc đông y. Những sản phẩm này rất nguy hiểm vì thường không được kiểm chứng về mặt chất lượng, đặc biệt là quảng cáo trên môi trường thương mại điện tử thì rất khó kiểm soát. Việc kinh doanh trên các nền tảng này cũng khiến lực lượng lực lượng chức năng rất khó để xác định được các đối tượng cũng như địa chỉ cung cấp vì các đối tượng thường không để lại địa chỉ mà chỉ để lại tên zalo hoặc facebook.

Trong khi đó, nền tảng pháp luật của chúng ta chưa hoàn thiện kịp để kiểm soát được tất cả các hoạt động kinh doanh mua bán, quảng cáo trên môi trường thương mại điện tử. Những đối tượng này khi quảng cáo trên nền tảng thương mại điện tử hay mạng xã hội thì quảng cáo các sản phẩm rất tốt nhưng khi mà giao hàng đến cho người tiêu dùng thì hàng hóa có thể không giống như quảng cáo. Đấy là thực trạng mà chúng tôi thấy rằng thời gian tới cần phải có những giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh nhưng các vụ việc phanh phui hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra rất phổ biến. Ngoài việc lợi nhuận cao khiến các đối tượng bất chấp để sản xuất hàng nhái, hàng giả, theo ông, phải chăng việc người tiêu dùng vẫn còn chưa hiểu hết, hiểu rõ ràng về quyền lợi của mình cũng là nguyên nhân của tình trạng trên?

Tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại sao vẫn tồn tại và rất khó kiểm soát, rất khó đấu tranh triệt để? Bởi luật pháp dù có hoàn thiện đến đâu thì các đối tượng vi phạm luôn luôn tìm cách để lách, tìm ra sơ hở để trốn tránh kiểm tra. Đơn cử như trong xử lý vấn đề hàng giả, trị giá hàng hóa từ 30 triệu trở lên thì sẽ bị truy tố còn dưới 30 triệu thì xử lý hành chính. Quy định này khiến các đối tượng vi phạm lợi dụng kẽ hở để chia nhỏ hàng hóa vi phạm nhằm trốn tránh xử lý hình sự. Và vì lợi nhuận cao nên các đối tượng thậm chí chấp nhận xử lý hành chính và vẫn tái phạm.

Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh

Thực tế, do nguồn lực của chúng ta cũng có hạn chế dẫn đến việc ngăn chặn hàng giả rất khó khăn. Bởi vì hàng giả len lỏi ở tất cả các ngõ ngách trong đời sống xã hội và nếu không đủ nguồn lực thì việc đấu tranh ngăn chặn cũng như phòng, chống gặp rất nhiều hạn chế.

Về phía nhận thức của người tiêu dùng, rõ ràng là nhận thức hạn chế của người tiêu dùng cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu, đặc biệt là các mặt hàng mà không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn tồn tại trên thị trường. Bởi vì người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực nông thôn thì nhận thức cũng như tiếp cận thông tin không được như khu vực thành thị. Riêng giới trẻ hoặc những người mà không có kiến thức tiêu dùng thì có xu hướng dễ dãi, thích hàng hóa giá rẻ, nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn cần sự đồng hành của doanh nghiệp. Nhưng theo phản ánh của không ít doanh nghiệp, họ ngại công bố các sản phẩm của mình bị làm nhái, làm giả trên thị trường vì vô tình, đó lại là hành động khẳng định rằng có sản phẩm nhái đang lưu thông trên thị trường. Ông bình luận gì về điều này? Tổng cục Quản lý thị trường sẽ có những giải pháp gì để huy động tốt hơn sự tham gia của các doanh nghiệp trong công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái thời gian tới?

Việc doanh nghiệp có công bố thông tin về hàng giả trên thị trường hay không thì đó là thói quen của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, thời gian qua chúng tôi theo dõi và thấy được rằng mặc dù trước đây, đúng là có rất nhiều doanh nghiệp e ngại việc đưa thông tin về hàng giả, hàng nhái sản phẩm của mình lên báo chí. Bởi vì người ta e ngại khi người tiêu dùng biết là có hàng giả, hàng nhái thì sẽ cảnh giác hoặc mua ít đi. Điều này sẽ ảnh hưởng doanh thu của doanh nghiệp tức thời.

Tuy nhiên thì càng về sau này, khi mà công nghệ thông tin cũng như mạng xã hội và internet phổ biến đến hầu hết người dân thì việc mà doanh nghiệp không cung cấp thông tin có khi lại có tác dụng ngược. Nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng nếu không công bố thông tin, không hướng dẫn cho người tiêu dùng, không minh bạch đối với những gian lận thương mại, hàng giả đối với sản phẩm của mình thì dẫn đến các sản phẩm sẽ bị giảm uy tín cũng như ảnh hưởng đến uy tín hình ảnh của doanh nghiệp.

Do đó, hiện nay các doanh nghiệp rất quan tâm đến việc chống gian lận thương mại đối với sản phẩm của mình, đặc biệt là họ tích cực hơn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có quản lý thị trường để giám sát, theo dõi thị trường nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm cũng như là hàng giả nhái trên thị trường để cùng xử lý. Sau đó thì thậm chí là các doanh nghiệp còn có chiến lược truyền thông, chiến lược chống hàng giả rất bài bản, chuyên nghiệp để làm sao khi một vụ việc được phát hiện, được xử lý thì người tiêu dùng ngay lập tức nắm bắt được thông tin đó và họ cũng cung cấp thông rin minh bạch về sản phẩm của họ, các kênh phân phối cũng như hướng dẫn để mọi người tiêu dùng phân biệt được. Đấy là điều mà lực lượng quản lý thị trường rất khuyến khích doanh nghiệp.

Bên cạnh đó thì về phía Tổng cục quản lý trường, chúng tôi triển khai đồng bộ rất nhiều các giải pháp và luôn coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ trọng tâm trong việc phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu cũng như hàng hóa không rõ xuất xứ. Chúng tôi có những trang web để tuyên truyền kịp thời công tác chống hàng giả, chống gian lận thương mại.

Trong giai đoạn 2019 - 2010 cũng như thời gian sắp tới, chúng tôi triển khai kế hoạch dài hơi, gọi tắt là kế hoạch 888. Đây là kế hoạch triển khai rộng khắp trên toàn bộ 63 tỉnh thành. Kế hoạch này đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, ví dụ như mục tiêu tuyên truyền rồi ký cam kết đối với tất cả các cơ sở kinh doanh mà chúng tôi thống kê được. Đây là giải pháp căn cơ. Đồng thời, chúng tôi kết hợp các biện pháp tăng cường theo dõi, rà soát, phân loại các đối tượng để có những giải pháp tuyên truyền, giám sát, quản lý nhằm ngăn chặn cũng như phát hiện kịp thời gian lận thương mại, hàng giả xuất hiện trên thị trường.

Bên cạnh đó thì chúng tôi cũng xây dựng một hệ thống có kết nối với cơ sở dữ liệu của chúng tôi. Mục tiêu của hệ thống là nâng cao hiệu quả tương tác và cung cấp thông tin thuận lợi nhất giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu cũng như hướng dẫn của doanh nghiệp trong việc phân biệt hàng thật giả trên hệ thống này. Có nghĩa là người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều có thể sử dụng kênh thông tin để tương tác, hỗ trợ trong công tác phòng, chống cũng như đấu tranh gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Sau khi thí điểm, chúng tôi sẽ triển khai mạnh kế hoạch trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025.

Xin cảm ơn ông!

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Phương Lan (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề: Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, cán cân thương mại được cải thiện

Nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia

Thương mại biên giới: Bước chuyển tích cực

Đủ điện cho phục hồi kinh tế năm 2022

Lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Doanh nghiệp đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn

Xuất khẩu gạo: Kỳ vọng nào cho cuối năm?

Đảm bảo lợi ích ngành mía đường trong nước

Tưng bừng các hoạt động “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnightsale”

Ứng phó hiệu quả, đảm bảo xuất khẩu bền vững

Gỡ “nút thắt” thúc đẩy năng lượng tái tạo

Khởi động ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday lớn nhất năm

Xây dựng luật phát triển công nghiệp: Không nhanh sẽ lỡ nhịp

Quyết định tổ chức “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021”

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Địa phương giữ vai trò quan trọng

Hơn 100 gian hàng tham gia tại Tuần hàng Việt huyện Ba Vì 2021

Đưa nông sản Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử

Tăng tốc các hoạt động xúc tiến thương mại dịp cuối năm

Từ câu chuyện vận chuyển vải thiều đến logistics cho nông sản

Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển