Lý do Bộ GD&ĐT không cho phép tuyển thẳng vào lớp 10 bằng IELTS?
Có thể gây mất công bằng
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn 715/BGDĐT-GDTrH do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký về thực hiện tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 gửi các tỉnh, thành.
Theo Bộ cho biết, một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, trong đó có tình trạng thêm một số nội dung không đúng quy định. Đó chính là việc tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho học sinh đoạt giải thi học sinh giỏi tỉnh, có chứng chỉ ngoại ngữ.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đúng chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinhvào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định tại văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT năm 2019 về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT.
Theo các chuyên gia, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS là động thái phù hợp với khuyến nghị của đơn vị tổ chức thi cũng như thực tiễn giáo dục tại Việt Nam. |
Đối với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh bảo đảm đúng quy định tại điều 7 văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan.
UBND tỉnh, thành cần chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn.
Cũng tại công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bộ này sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại một số địa phương.
Theo điều 7 của văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT Quy chế tuyển sinh THCS, THPT năm 2019, trong đối tượng được tuyển thẳng, ưu tiên khi tuyển sinh lớp 10 không có thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS.
Mặc dù quy định là vậy, song, thời gian qua một số tỉnh, thành đã áp dụng tuyển thẳng hoặc ưu tiên cho học sinh có chứng chỉ IELTS khi thi tuyển sinh vào lớp 10.
Thông tin về lý do Bộ không cho phép tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh lớp 10, đại diện Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc Bộ không cho phép tuyển thẳng, cộng điểm là nhận thấy chính sách này có thể gây mất công bằng. Vì thực tế ở cùng một địa phương, học sinh ở khu vực trung tâm dễ tiếp cận với việc học và lấy chứng chỉ ngoại ngữ hơn.
Ngược lại, ở những địa bàn khó khăn, dù có nỗ lực học tốt ngoại ngữ, việc đi đến địa điểm thi hay chuẩn bị tiền triệu để đóng lệ phí cũng gặp trở ngại. Như vậy, dùng chứng chỉ IELTS để tuyển sinh lớp 10 là không công bằng.
Theo đại diện Vụ Giáo dục trung học, học để chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng, phát triển năng lực thực sự của bản thân và năng lực thực sự ấy mới quan trọng để sau này các em có định hướng tốt cho học lên, có định hướng tốt hơn cho nghề nghiệp.
"Với yêu cầu của thị trường việc làm hiện nay thì người lao động có năng lực đến đâu sẽ có cơ hội việc làm đến đấy chứ không chỉ là câu chuyện học để lấy tấm bằng. Học sinh phải có động lực học và học một cách thực sự nghiêm túc. Học thật và học thật rồi thì bất cứ kỳ thi nào cũng không cần trông chờ vào sự ưu tiên nào cả" - đại diện Vụ Giáo dục trung học cho hay.
Thực tế, để đánh giá năng lực của học sinh, cần trải qua các kỳ thi sẽ chứng minh được năng lực thực sự và có như vậy, các em mới có kế hoạch học tập tốt hơn, để lựa chọn nghề nghiệp đúng và đáp ứng yêu cầu, phát triển bản thân.
Phù hợp thực tiễn giáo dục tại Việt Nam
Sau khi công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đề nghị các tỉnh, thành dừng việc tuyển thẳng, ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS, ngoại ngữ quốc tế vào lớp 10, phụ huynh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có hai luồng ý kiến, một phần đồng tình, một phần lại phản đối vì cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo "tuýt còi" vào thời điểm này không phù hợp khi nhiều tỉnh đã công bố kế hoạch rồi và không dựa trên tinh thần khuyến khích học sinh nâng cao năng lực tiếng Anh.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh và giáo viên lại cho rằng, chính sách không tuyển thẳng, không cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh thi lớp 10 có chứng chỉ IELTS, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là đúng đắn, bởi việc ưu tiên thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS khiến những học sinh không có điều kiện luyện, học IELTS sẽ thiệt thòi.
Theo các chuyên gia, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS là động thái phù hợp với khuyến nghị của đơn vị tổ chức thi cũng như thực tiễn giáo dục tại Việt Nam.
Cô Như Hoa - Giáo viên dạy Tiếng Anh tại một trung tâm đào tạo chứng chỉ IELTS tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Trong quá trình tư vấn cho phụ huynh, cô luôn khuyên cha mẹ nên cho con bắt đầu luyện thi IELTS từ lớp 10, tốt nhất là lớp 11 nếu thực sự cần chứng chỉ ngoại ngữ này để nộp hồ sơ xét tuyển các trường đại học trong nước hoặc nước ngoài. Vì từng độ tuổi có các bài thi riêng được thiết kế tương thích.
Ngoài ra, IELTS hay TOEFL đều là bài kiểm tra nên thí sinh sẽ được dạy nhiều về kỹ thuật làm bài và có thể chỉ kéo dài vài tháng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là kiến thức tiếng Anh tổng quát của thí sinh được tích luỹ qua nhiều năm.
Chưa nói đến việc tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS sẽ làm gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục khi lệ phí thi không hề rẻ. Trong khi đó, quy định này hiện áp dụng ở nhiều tỉnh còn khó khăn.
Theo ghi nhận, đến thời điểm này, một số địa phương đã có thông báo sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 vì đã thông báo về việc cộng điểm hoặc tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS.
Cụ thể, một số Sở Giáo dục và Đào tạo như Nghệ An, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Long, Bình Dương… cũng đã thông tin sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 vì trước đó đã thông báo về việc cộng điểm hoặc tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS.