Thứ sáu 22/11/2024 11:35

Lung linh ánh điện trên vùng biển Tây Nam

Sau khi đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) tiếp tục nỗ lực đưa điện ra nhiều đảo và cụm đảo nhỏ thuộc vùng biển Tây Nam, nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế biển đảo, bảo đảm an ninh quốc phòng trên những vùng hải đảo tiền tiêu.       
Lãnh đạo EVN và EVN SPC thăm, động viên các đội thi công trên biển

Trong những ngày tháng tư này, trên công trình xây dựng dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang đang rất khẩn trương, các đội thi công gấp rút hoàn thành những phần việc cuối cùng để cấp điện cho gần 2.000 hộ dân trên đảo vào dịp kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam 30/4/2016.

Vùng biển Tây Nam của Tổ quốc (nằm trong vịnh Thái Lan) bao gồm các cụm đảo và quần đảo như Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc thuộc tỉnh Cà Mau. Tỉnh Kiên Giang có 143 đảo nổi, trong đó có 43 đảo có dân sinh sống. Lớn nhất là Đảo Phú Quốc có diện tích 573 km2, xa nhất là Thổ Chu, cách thành phố Rạch Giá 110 hải lý. Các hải đảo vùng biển Tây Nam đóng vai trò quan trọng về an ninh, quốc phòng có tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo, đặc biệt là ngư nghiệp và du lịch, dịch vụ biển.

Dự án lưới điện quốc gia cho đảo Lại Sơn có tổng chiều dài gần 44 km đường dây 110 kV, bắt đầu từ An Biên (Kiên Giang). Trong đó có 24,5 km đường dây vượt biển.

Đây là đường dây 110 kV vượt biển dài nhất Việt Nam từ trước đến nay. Dự án được khởi công xây dựng đầu tháng 9/2015.

EVN SPC cho biết, đến tháng 4/2016 nhiều gói thầu đã cơ bản hoàn thành như xây dựng đường dây 110kV An Biên – Xẻo Nhàu; xây dựng móng cột đường dây 110kV Xẻo Nhàu – Lại Sơn từ vị trí số 02 đến 18. Các gói thầu lắp dựng cột, kéo đường dây 110kV Xẻo Nhàu - Lại Sơn, xây dựng móng cột vị trí 01, 50 và xây dựng nhà điều hành trạm biến áp 110kV; lưới điện phân phối trên đảo Lại Sơn đang khẩn trương thi công để đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ.

Trong quá trình thi công trụ cột trên biển, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do một số lượng lớn trụ cột nằm ở vùng biển sâu, gió và sóng mạnh nên việc thi công gặp nhiều trở ngại ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Các nhà thầu đã nỗ lực tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn, tăng cường lực lượng thi công, tổ chức phải tăng ca, tranh thủ thời gian biển lặng thi công cả ngày lẫn đêm để bù lại thời gian biển động không thi công được.

Đội thi công đang dựng cột điện trên biển

Tiếp theo Lại Sơn, vào cuối năm 2015, EVN SPC cũng đã khởi công dự án cấp điện cho xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Hòn Nghệ là đơn vị hành chính cấp xã, nằm trong vịnh Hà Tiên thuộc vùng biển Tây Nam. Đảo cách mũi Hòn Chông khoảng 15 km về phía Tây Nam, có chiều dài 2,5 km, rộng 1,6 km, diện tích 3,8 km². Trên đảo có 526 hộ dân sinh sống, chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng hải sản và dịch vụ. Trên đảo có hơn 90% số hộ dân sử dụng điện từ nguồn diesel tại chỗ với thời gian phát điện 12 giờ/ngày tập trung vào buổi sáng và buổi tối, do đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên đảo khó khăn.

Công trình đưa điện ra đảo Hòn Nghệ có tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng do EVN SPC đầu tư, trong đó phần quan trọng nhất là tuyến đường dây 22kV trên không vượt biển dài 16,37 km. Đây là dự án thứ tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra các đảo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Dự án bao gồm: Đường dây 22kV trên biển, tiếp bờ tại Hòn Chông, đi qua các Hòn Rễ Nhỏ, Hòn Rễ Lớn, Hòn Nhum Giếng, Hòn Nhum Ông, Nhum Tròn, Nhum Bà và đến điểm đấu nối tiếp bờ tại Hòn Nghệ. Trong đó, đường dây trung thế 22kV vượt biển dài 16,371 km; đường dây trung thế 22kV 3 pha dài 9,941km. Trên đảo xây dựng mới 8 trạm biến áp với tổng công suất 975kVA và cung cấp điện cho 2.229 nhân khẩu đang sinh sống trên đảo. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 140 tỷ đồng bằng nguồn vốn do EVN SPC thu xếp.

Các dự án trên thuộc chương trình cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo gần bờ tỉnh Kiên Giang, bao gồm: xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du thuộc huyện Kiên Hải; xã Hòn Nghệ, Sơn Hải thuộc huyện Kiên Lương; xã Tiên Hải thuộc thị xã Hà Tiên; xã Hòn Thơm thuộc huyện Phú Quốc; tổng mức đầu tư ước khoảng 1.506 tỷ đồng

Vào những ngày này người dân trên các đảo ngày ngày dõi theo tiến độ thi công, những trụ cột, trạm điện mọc lên. Tại xã An Sơn có 1.047 hộ dân với trên 5.000 nhân khẩu, trong đó chủ yếu làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Đón đầu dòng điện quốc gia, xã An Sơn bắt tay xây dựng nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý rác bảo vệ môi trường, cấp phép cho hàng chục cơ sở kinh doanh lưu trú, khuyến khích khoảng 40-50% lượng tàu thuyền của người dân trong xã chuyển từ đánh bắt sang làm du lịch. Xã đảo Nam Du (gồm trên 20 hòn đảo lớn, nhỏ) cũng đang tích cực chuyển mình, nhiều hộ dân tại địa phương hoán cải tàu cá thành tàu du lịch để đưa đón, phục vụ khách du lịch.

Ông Phạm Ngọc Lễ - Phó Tổng giám đốc EVN SPC:

Dự án cấp điện cho các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, Kiên Lương và Hà Tiên của Kiên Giang nhằm góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo và ven biển, giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương do phải bù lỗ cho phát điện diesel tại các xã đảo. Đồng thời, xây dựng hệ thống đảo thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Đình Hoàng

Tin cùng chuyên mục

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?

Một quốc gia châu Âu tiếp tục nhận khí đốt từ Nga sau khi ‘đóng van’ với Áo

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Sửa đổi Luật Điện lực: Từ thông điệp của Tổng Bí thư đến gỡ điểm nghẽn cho kỷ nguyên mới (​​​​​​​Bài 1)

PC Lào Cai: 'Thần tốc' đưa điện lưới quốc gia về khu tái định cư Làng Nủ

PC Đắk Nông: Cải thiện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế

Hiệu quả quản lý lưới truyền tải từ ứng dụng UAV và công nghệ Lidar

Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án lưới điện truyền tải 220kV

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng suất lao động nhờ phát triển lưới điện thông minh, chuyển đổi số

Trung tâm Điện lực Quảng Trạch: Nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống