Thứ ba 03/12/2024 00:43

Luật Điện lực (sửa đổi): Minh chứng sự chung sức, đồng lòng vì lợi ích quốc gia của hệ thống chính trị

Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Kết quả đạt được là minh chứng cho sự chung sức, đồng lòng vì lợi ích quốc gia dân tộc của cả hệ thống chính trị.

Ngày 30/11 là một ngày "đặc biệt", "dấu mốc" quan trọng với ngành điện lực Việt Nam khi với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,65%), Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Đây là dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia trong trước mắt và lâu dài.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao

Dự án Luật này chính là minh chứng cho sự chung sức, đồng lòng vì lợi ích quốc gia, dân tộc của cả hệ thống chính trị. Bởi hiếm có một dự án luật nào nhận được sự quan tâm trực tiếp, đặc biệt của lãnh đạo cấp cao đất nước như Luật Điện lực (sửa đổi).

Còn nhớ phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội chiều 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu vấn đề “Vì sao lại phải có Luật Điện lực (sửa đổi) và chỉ rõ: “Yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng năng lượng là một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, điểm đột phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia".

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, thời gian không chờ đợi ai, chúng ta cần chủ động triển khai nhanh chóng, đồng bộ, song song với việc triển khai sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện.

Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Quốc hội vào chiều 12/11 đã khẳng định, thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa.

Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi... Đồng thời, "đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện" - Thủ tướng nói.

Có thể nói, trong gần 1 năm qua, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được chuẩn bị hết sức nghiêm túc; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước.

Với tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, đã triển khai công việc một cách khẩn trương nhưng kỹ lưỡng và thận trọng để xây dựng và đảm bảo chất lượng của dự án Luật và được Quốc hội thông qua vào chiều ngày 30/11/2024.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 14/11

Trước đó, theo nội dung tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 1/12/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024). Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao, với tinh thần chủ động, Bộ Công Thương đã sớm thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Luật. Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được thành lập theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, gồm 47 thành viên đến từ một số Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương; các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia đến từ một số hiệp hội, Sở Công Thương và doanh nghiệp.

Sau khi Dự thảo 1 được thông qua tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập lần thứ nhất, Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi) đã được lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 29/3/2024 (trong thời hạn là 60 ngày). Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, cuộc họp chuyên đề tại cả 3 miền đất nước: Bắc -Trung - Nam. Các nhóm thuộc Tổ biên tập do Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực, Cục An toàn môi trường của Bộ làm trưởng nhóm cũng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp nhóm thuộc Tổ biên tập theo từng chuyên đề.

Ngày 11/6/2024, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cùng các tài liệu kèm theo trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ.

Phải nói rằng, đây là một dự án luật khó và có sức ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, vì điện năng là nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Không né tránh, Luật Điện lực (sửa đổi) đã "đột phá" vào những "điểm nghẽn" của ngành điện, qua đó khơi thông nguồn lực của xã hội, nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp.

Chỉ trong một thời gian ngắn từ khi tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về dự án Luật, tính đến ngày 18/6/2024, Bộ Công Thương đã nhận được 122 văn bản (1 văn bản của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội; 20 văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ, 60 văn bản của cơ quan cấp tỉnh, 13 văn bản của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 26 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động điện lực và 1 ý kiến bằng văn bản của chuyên gia về thị trường điện) và 1 ý kiến trên cổng thông tin điện tử.

"Dấu mốc" đáng chú ý phải kể tới đó là ngày 5/7/2024, Bộ Công Thương trình Chính phủ Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các tài liệu kèm theo hồ sơ xây dựng dự án Luật. Ngày 23/7/2024, Chính phủ tổ chức phiên họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Luật Điện lực (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Ngày 8/8/2024, Bộ Công Thương đã thực hiện thủ tục gửi hồ sơ cho Văn phòng Quốc hội và Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội để thực hiện thẩm tra. Vì mức độ quan trọng của ngành điện nói chung và dự án Luật Điện lực nói riêng, có lẽ, cũng hiếm có dự án Luật nào lại trải qua nhiều lần thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay các Ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đến vậy.

Trong liên tục các ngày: 5, 6, 9/8/2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)”. Bộ Công Thương tiếp tục gửi ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội thảo đến các Cục, Vụ để thực hiện tiếp thu, giải trình và hiệu chỉnh vào dự thảo Luật theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Sau đó, ngày 6/9/2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi); ngày 4/10/2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức họp thẩm tra về dự án Luật.

Ngày 15/11/2024, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức cuộc làm việc góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Đáng nói, phiên họp này diễn ra ngay trong khoảng thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng thời cũng chỉ diễn ra ngay sau 1 ngày (14/11), tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tổ chức phiên họp cho ý kiến dự án Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 19/8/2024. Dự án Luật cũng được Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào ngày 29/8/2024.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), có 104 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 32 lượt đại biểu Quốc hội có ý kiến (25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường và 7 lượt góp ý bằng văn bản gửi qua Tổ Thư ký).

Điểm lại các sự kiện như vậy để một lần nữa thấy sự nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công Thương, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia đã tích cực đóng góp ý kiến, hoàn thiện dự án luật với chất lượng cao nhất, để thúc đẩy Luật Điện lực (sửa đổi) sớm được thông qua trong thời gian ngắn. Thực tế, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp tổ hay hội trường Quốc hội đều cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo và đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo.

Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025, gồm 9 Chương, 81 Điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.

Để phát triển kinh tế - xã hội, điện đóng vai trò hết sức quan trọng và được xem là "mạch máu" của nền kinh tế, phải phát triển “đi trước một bước”. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để GDP Việt Nam tăng trưởng 1%, điện phải tăng trưởng 1,8-2%. Vì thế, câu chuyện sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề bức thiết và cấp bách không có gì phải bàn cãi. Và việc Quốc hội thông Luật Điện lực (sửa đổi) được kỳ vọng là một bước đột phá về chính sách để ngành điện phát triển mạnh mẽ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế của đất nước, đủ lực để vươn mình, cất cánh trong kỷ nguyên mới.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Luật Điện lực (sửa đổi)

Tin cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Mong muốn Nhật Bản chuyển giao công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu

Việt Nam - Singapore: Hợp tác kinh tế, thương mại là trụ cột quan trọng

Chủ tịch nước: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Tòa án

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu dự án công trình cấp đặc biệt

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tặng bằng khen cho 20 tập thể, cá nhân đóng góp xuất sắc trong phát triển Logistics

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành logistics phải tăng trưởng 20% và hướng tới quốc gia thương mại tự do

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp lãnh đạo Ngân hàng United Overseas

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Khu thương mại tự do đóng góp quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024

Thủ tướng: Sớm ghi danh Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo ngoài khơi thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chuỗi sự kiện dầu khí và điện gió ngoài khơi

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith

Khu thương mại tự do là mô hình hiệu quả thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển logistics

Khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề về khu thương mại tự do

Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải hết sức lưu ý khắc phục những 'căn bệnh' của công tác cán bộ

Đổi mới công tác lập pháp theo hướng các luật ngắn gọn, rõ ràng

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW

Bộ Chính trị chủ trương tinh gọn hệ thống tổ chức Đảng