Ngành điện lực, với vai trò trụ cột trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, từ lâu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước. Trước những yêu cầu cấp bách về phát triển bền vững, hiện đại hóa, đồng thời thích ứng với xu hướng hội nhập quốc tế, các chủ trương lớn của Đảng đã được đề ra nhằm định hướng phát triển cho ngành điện. Những chủ trương mang tính chất chiến lược này đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể để ngành điện phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là minh chứng rõ nét nhất cho việc thể chế hóa đầy đủ các định hướng quan trọng này, đảm bảo ngành điện không chỉ vận hành hiệu quả mà còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
Định hướng chiến lược cho ngành phát triển bền vững
Các chủ trương lớn của Đảng đối với ngành điện đã thể hiện rõ tại nhiều văn kiện quan trọng, trong đó, đặc biệt phải kể đến Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị. Văn kiện này nhấn mạnh yêu cầu phát triển năng lượng quốc gia theo hướng bền vững, đồng bộ, kết nối với thị trường quốc tế và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đây không chỉ là một định hướng chiến lược mà còn là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu rõ ràng về phát triển thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và vận hành. Đây là cơ sở để ngành điện chuyển mình sang cơ chế thị trường, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Quốc hội bấm nút thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỉ lệ tán thành cao. Ảnh: VP Quốc hội |
Song hành với các định hướng lớn này, các chủ trương khác của Đảng như phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng hay thúc đẩy các nguồn năng lượng mới cũng được cụ thể hóa. Điển hình là Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó, điện gió ngoài khơi được xác định là lĩnh vực mũi nhọn, vừa đảm bảo khai thác hiệu quả tiềm năng biển vừa bảo vệ môi trường và chủ quyền quốc gia. Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển ngành du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn - đã yêu cầu điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch, nhằm tạo điều kiện để ngành này phát triển, đồng thời thúc đẩy sự lan tỏa của các phương tiện giao thông điện. Tất cả các chủ trương này đã đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thời kỳ mới.
Luật Điện lực (sửa đổi) ra đời chính là bước đi cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng. Đầu tiên, việc phát triển thị trường điện cạnh tranh đã được thể hiện rõ qua các điều 5 (khoản 11), 60, 61 của luật. Theo đó, thị trường điện không chỉ được định hình rõ ràng với các cấp độ phát điện, truyền tải, phân phối mà còn bổ sung cơ chế giao dịch minh bạch thông qua hợp đồng kỳ hạn điện (điều 74). Điều này không chỉ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn mà còn đảm bảo giá điện phản ánh đúng cung - cầu thị trường, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Các quy định về quản lý giá điện, khung giá và phương pháp tính giá trong các điều 85, 86, 87, 88 cũng là minh chứng cho nỗ lực của Nhà nước trong việc luật hóa cơ chế điều hành giá, đảm bảo tính công bằng và cạnh tranh lành mạnh.
Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) lần này cũng nhấn mạnh và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo. Trọng tâm trong đó là các cơ chế về: Điện gió ngoài khơi trên cơ sở đánh giá tác động và bảo đảm quốc phòng, an ninh; điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà tại các tòa nhà công sở, nhà dân, công trình công cộng, khu công nghiệp; hệ thống lưu trữ năng lượng, pin nhiên liệu trong phương tiện giao thông vận tải. Sớm ban hành cơ chế phát triển điện gió, điện mặt trời mái nhà cho khu vực miền Bắc để hạn chế tình trạng thiếu điện ngay trong năm 2024 và các năm tiếp theo (điều 5, 9, 31).
Các điều khoản liên quan đến điện mặt trời, điện gió và lưu trữ năng lượng đã được bổ sung để đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Việc quy định các ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời tạo điều kiện để các hộ gia đình, khu công nghiệp tự sản xuất và tiêu thụ điện, đã thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Một điểm đáng chú ý khác trong luật là sự chú trọng vào phát triển kinh tế biển gắn với điện gió ngoài khơi. Đây không chỉ là bước đi chiến lược nhằm khai thác tiềm năng to lớn của vùng biển Việt Nam mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc bổ sung các quy định liên quan đến đầu tư và khai thác điện gió ngoài khơi trong luật là minh chứng rõ nét cho việc thể chế hóa Nghị quyết 36-NQ/TW, đồng thời mở ra cơ hội lớn để Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực.
Tại điểm d, điểm đ, khoản 12, Điều 5, đã thực hiện luật hóa việc điều hành giá điện, thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện. Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Luật cũng đã có chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế - xã hội. Đồng thời thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng phù hợp với xu thế chung của thế giới (điểm c, h khoản 12, Điều 5).
Khuyến khích đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư
Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng theo tiêu chí xoá bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật (khoản 5, Điều 5).
Xây dựng các cơ chế, chính sách đặt hàng sản xuất của Nhà nước thực hiện các yêu cầu chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa của nhà máy điện và hệ thống điện; khuyến khích nghiên cứu, phát triển, sản xuất và sử dụng thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển điện lực và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp điện; xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng. Xây dựng và triển khai chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng (khoản 2, Điều 7).
Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn. (Điều 5, 20, 21, 22)
Tại khoản 4, 5 của Điều 5, Luật cũng được hoàn thiện về cơ chế tài chính và huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển năng lượng; đặc biệt cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.
Tại Mục 3 Chương II Lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực (Điều 26, Điều 27, Điều 28), luật cũng đã hoàn thiện cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình điện bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên.
Ưu tiên phát triển hạ tầng năng lượng bền vững
Luật Điện lực (sửa đổi) cũng đã xây dựng các điều khoản để có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; thúc đẩy nhanh xã hội hoá đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong ngành năng lượng. Xóa bỏ độc quyền và những rào cản bất hợp lý trong sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ hạ tầng năng lượng, đồng thời yêu cầu dùng chung hạ tầng năng lượng vào các dự án thực hiện theo các hình thức đối tác công tư. (Điều 5)
Tại Khoản 3 và khoản 6, Điều 31; Điểm c, khoản 3, Điều 33; Khoản 5, Điều 33, luật cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách đưa các loại hình tích trữ điện năng vào ứng dụng nhanh chóng, kịp thời.
Khoản 9, Điều 5 và Chương III, luật cũng đưa ra chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông phù hợp trình độ công nghệ sẵn có.
Tại Chương II, luật cũng đã hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, đầu tư, quy hoạch để thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án nguồn, lưới điện; nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động, có cơ chế phù hợp, nếu cần thiết đề xuất cơ chế đặc thù để triển khai kịp tiến độ các dự án nguồn và lưới điện cấp bách.
Về mặt quản lý nhà nước, Luật Điện lực (sửa đổi) cũng đã có những điều chỉnh quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả điều hành và phân cấp quản lý. Việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan từ trung ương đến địa phương không chỉ giảm bớt chồng chéo trong quản lý mà còn tạo điều kiện để ngành điện lực hoạt động linh hoạt hơn. Đồng thời, các điều khoản về giám sát thị trường điện giao ngay, tạm ngừng và khôi phục hoạt động khi có tình huống khẩn cấp cũng là minh chứng cho sự linh hoạt và hiện đại trong quản lý nhà nước đối với ngành điện.
Có thể khẳng định rằng, các chủ trương của Đảng đối với ngành điện không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững mà còn là "kim chỉ nam" cho việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp. Luật Điện lực (sửa đổi) chính là minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực của Nhà nước trong việc thể chế hóa các định hướng lớn, đảm bảo ngành điện phát triển hiện đại, hiệu quả và đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thời kỳ mới. Những quy định cụ thể trong luật không chỉ giúp ngành điện vận hành minh bạch, cạnh tranh mà còn khẳng định vai trò trụ cột của điện lực trong sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của Việt Nam.