Luật Điện lực (sửa đổi) là dấu mốc quan trọng trong hành trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành điện và đảm bảo an ninh năng lượng trong phát triển kinh tế. |
Ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,65%. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Văn Thành - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam; Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới. |
Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,65%. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này? Sự kiện Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 30/11/2024 là một dấu mốc quan trọng, ý nghĩa lớn trong quá trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành điện. Đồng thời, có ý nghĩa lớn đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng trong phát triển kinh tế Việt Nam và bảo vệ môi trường bền vững. Luật nhằm điều chỉnh, đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý về điện lực trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. Điều 5 của Luật có 12 chính sách lớn của nhà nước về phát triển điện lực. Trong đó, nhà nước chỉ độc quyền trong các hoạt động sau đây vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia: a) Điều độ hệ thống điện quốc gia; b) Đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định; c) Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng. Như vậy, Luật đã tạo một môi trường cạnh tranh, minh bạch, lành mạnh hơn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh điện lực ngoài hoạt động thuộc độc quyền nhà nước. Đồng thời, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ hiện đại và tự chủ trong tính toán giá thành, lợi nhuận. Luật đưa cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt và minh bạch hơn, sẽ giúp ngành điện phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trước biến động của thị trường năng lượng quốc tế. |
Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua với 6 nhóm nội dung chính, gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; điều kiện phát triển điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động; hoạt động mua bán điện; quản lý vận hành hệ thống điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ thuỷ điện. Những nội dung này sẽ có tác động như thế nào đến sự phát triển của ngành điện trong thời gian tới, thưa ông? Với những nội dung nêu tại Luật Điện lực (sửa đổi), theo tôi, sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của ngành điện sẽ tăng lên. Hy vọng rằng, với Luật này, sẽ tạo cơ sở pháp lý khuyến khích và bảo hộ đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào phát triển điện lực, khi hoạt động đầu tư này phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện lực và phương án mạng lưới phát triển điện. Sự tham gia phát triển điện lực của khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần tạo ra thị trường điện lực cạnh tranh, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu cấp điện ngày càng cao trong quá trình phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới. Về điều kiện tiếp cận thị trường, Chương IV của Luật Điện lực (sửa đổi) quy định về giấy phép hoạt động điện lực, trong đó, điểm mới sáng là không cấp giấy phép hoạt động điện lực cho giai đoạn đầu tư. Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực điện lực thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. Chỉ cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện, lĩnh vực truyền tải điện, lĩnh vực phân phối điện theo phạm vi quản lý, vận hành lưới điện phân phối cụ thể, lĩnh vực bán buôn điện và trong lĩnh vực bán lẻ điện. Doanh nghiệp hy vọng và tin tưởng, Chính phủ được Luật giao sẽ có quy định chi tiết, rõ ràng, khả thi và đơn giản hóa thủ tục về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực. |
Luật Điện lực (sửa đổi) cũng đưa ra một số quy định về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao? Luật Điện lực mới thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, phù hợp với xu hướng chuyển đổi năng lượng toàn cầu và mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đó, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo. Luật Điện lực (sửa đổi) cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ thấy rằng, Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt khi Chính phủ cam kết cung cấp các ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh. Điều này có thể giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư lớn vào các dự án năng lượng mặt trời, điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác. Việc quy định giá mua điện đối với các dự án năng lượng tái tạo sẽ giúp các nhà đầu tư dự báo được lợi nhuận và tính toán chi phí đầu tư hợp lý. Luật nhấn mạnh cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong ngành điện. Từ đó, sẽ thu hút được các dự án năng lượng tái tạo từ các công ty quốc tế đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những quốc gia có chính sách năng lượng bền vững. Xin cảm ơn ông! |
Với Luật Điện lực (sửa đổi), dự báo, sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân đối với phát triển của ngành điện sẽ tăng lên. |
Nguyễn Hòa Đồ họa: Ngọc Lan |