Luật Đầu tư công (sửa đổi): Phân cấp mạnh mẽ trong quản lý đầu tư công
Giảm 6 Điều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội
Chiều 14/11, tiếp tục phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 130 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, nghiên cứu, rà soát, thống nhất phương án tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, tập trung vào các vấn đề đã chín, đã rõ, cấp thiết, cần tháo gỡ ngay.
Dự thảo luật sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội gồm 103 Điều, giảm 6 Điều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, trong đó: Đối với các chính sách phân cấp, tập trung chủ yếu điều chỉnh thẩm quyền và bổ sung trách nhiệm của cấp thực hiện trong quy trình đầu tư công, điều chỉnh quy mô dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C phù hợp với yêu cầu quản lý đầu tư công trong tình hình mới, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư công các dự án nhóm B, nhóm C từ Hội đồng nhân dân (HĐND) sang Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp.
Bên cạnh đó, phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ đối với ngân sách trung ương; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa các Sở, ngành, địa phương từ HĐND cấp tỉnh sang UBND cấp tỉnh…, không thay đổi nhiều về trình tự, thủ tục, nội dung so với Luật Đầu tư công năm 2019.
Đối với các nội dung chính sách mới so với Luật Đầu tư công năm 2019, Chính phủ bổ sung báo cáo giải trình về đánh giá tình hình triển khai thực tế cũng như yêu cầu thực tiễn và đề xuất của các bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua để hoàn thiện chính sách nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong triển khai. Đồng thời, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ về tiêu chí, điều kiện áp dụng 3 chính sách như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu.
Rà soát kỹ lưỡng theo tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, luật quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định những vấn đề cụ thể theo thẩm quyền; rà soát, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền, tháo gỡ khó khăn trong quy trình quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài...
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Về các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, ông Lê Quang Mạnh nêu rõ, một số ý kiến cho rằng, các chính sách mới được thí điểm trong thời gian ngắn cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm chính sách phát huy được hiệu quả thực tiễn và đề nghị rà soát để quy định chặt chẽ.
Đối với các nội dung thể chế hoá các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thí điểm, bao gồm: Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; giao 1 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để uỷ thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Chính phủ đã bổ sung báo cáo giải trình về đánh giá tình hình triển khai thực tế, yêu cầu thực tiễn và đề xuất của các bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua, theo đó, việc hoàn thiện chính sách nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong triển khai.
Về quy định cụ thể trong dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, bổ sung quy định để bảo đảm tính chặt chẽ.
Về nhóm chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ông Lê Quang Mạnh nêu rõ, đây là nhóm nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ, tại Hội trường. Trong đó, nhiều ý kiến kiến nghị chỉ nâng mức dự án quan trọng quốc gia lên gấp 02 lần như các nhóm dự án A, B, C; quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án; giữ thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn như luật hiện hành.
Ý kiến của các đại biểu tương đồng với ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách được thể hiện trong báo cáo thẩm tra, chưa thống nhất với ý kiến Chính phủ trình do băn khoăn về ảnh hưởng đến phân công kiểm soát quyền lực giữa cơ quan dân cử (HĐND) và cơ quan quản lý nhà nước (UBND).
Tuy nhiên, từ ý kiến đại biểu Quốc hội và báo cáo thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền và đã được lãnh đạo chủ chốt kết luận thống nhất với nội dung trình của Chính phủ về 3 nội dung này.
Từ những vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã thảo luận và thống nhất giải trình, tiếp thu theo hướng thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội đồng thuận với phương án Chính phủ trình.
Cụ thể như sau, về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, đề nghị điều chỉnh tăng 2 lần để tương đồng với các nhóm dự án A, B, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng: Luật Đầu tư công năm 2019 quy định tiêu chí mức vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở lên.
Tuy nhiên, thực tế, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được áp dụng từ năm 1997, đến nay, quy mô nền kinh tế của nước ta đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000 và tăng hơn 2,5 lần so với năm 2013; nguồn lực đầu tư công đã và đang được tập trung cho các dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng, có tính lan tỏa cao.
"Việc nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng (gấp 3 lần) nhằm phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện Luật" - ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.
Đối với các dự án A, B, C, thống nhất với phương án Chính phủ trình và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã đồng thuận. Với tinh thần đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách xin được giữ như phương án Chính phủ trình.