Thứ tư 27/11/2024 20:06

Lừa đảo du lịch cuối năm “vào mùa”: “Lá chắn” nào để bảo vệ cộng đồng?

Khi nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch tăng lên cũng là lúc nhiều đối tượng xấu sử dụng chiêu trò lừa đảo du lịch nhằm chiếm đoạt tiền của không ít người dân.

Từ một lần đồng ý đi nghe giới thiệu dịch vụ và nhận quà, anh Nguyễn Duy Hưng, ngụ TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh liên tục nhận được các cuộc điện thoại mời đi hội thảo với đủ loại dịch vụ du lịch, sở hữu kỳ nghỉ hấp dẫn khác nhau. Anh Hưng từng có ý định mua nhưng bị người nhà ngăn cản.

"Đến nơi người ta cũng tiếp đón lịch sự, cho tôi những phiếu làm mát xa, đi du lịch không mất tiền phòng. Rồi mời chào mua thẻ du lịch dài hạn từ 20-25 năm. Nhưng tôi cảm thấy khó tin nên không mua. Tôi không đến nữa nhưng bây giờ ngày nào cũng có nhiều người gọi mời chào tham dự các buổi giới thiệu, bán dịch vụ du lịch tương tự’, anh Hưng cho biết.

Không may mắn như anh Hưng, rất nhiều người đã sập “bẫy” biến tướng của mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” này.

Mới đây, Công ty cổ phần Truyền thông du lịch Việt phát đi thông báo về việc có đối tượng nhái tên thương hiệu và rao bán tour nước ngoài với giá rẻ. Theo đó, đối tượng đã nhái thương hiệu Du lịch Việt và chào bán tour du lịch đi Nhật Bản với giá cực rẻ chỉ 6,69 triệu đồng/người cho hành trình 6 ngày.

Nếu khách tin vào những quảng cáo giả mạo này thì khả năng cao sẽ bị chiếm đoạt tiền cọc. Thậm chí có khách khi hỏi đăng ký tour tại đây đã được nhóm đối tượng hẹn ra quán cà phê nhận tiền cọc.

Nhiều chiêu trò lừa đảo du lịch nở rộ vào cuối năm

Cũng chiêu trò lừa đảo nhắm vào nhu cầu cao ở mùa cao điểm, nhiều nhóm đối tượng mạo danh doanh nghiệp và chào mời mọi người vào một nhóm chat mạng xã hội và Telegram để làm nhiệm vụ nhấn like quảng cáo được thưởng tiền từ 50.000 đồng và tăng dần lên đến hàng trăm triệu, theo số lượng nhiệm vụ like quảng cáo liên tiếp.

Trước đó, giữa tháng 10/2023, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an vừa triệt phá thành công đường dây lừa đảo mua tour du lịch, đặt phòng khách sạn tại các khu du lịch VIP để chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỉ đồng của nhiều khách hàng.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, kết quả điều tra ban đầu xác định từ tháng 4/2023 đến nay, các bị can trên đã thông qua ứng dụng Telegram thỏa thuận với một nghi phạm có tên là "Sam" (chưa rõ nhân thân, lai lịch) để cùng nhau lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức quảng cáo đại lý nhận đặt tour du lịch, vé máy bay, phòng khách sạn tại các khu du lịch nghỉ dưỡng…

Thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng đã triệt phá hàng loạt vụ việc liên quan về lừa đảo mua tour du lịch, đặt phòng khách sạn, bắt giữ, khởi tố hàng chục đối tượng.

Theo cơ quan công an, nhóm người lừa đảo sẽ đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% rồi chiếm đoạt.

Với thủ đoạn tinh vi hơn, nhóm lừa đảo sẽ làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, nghi can sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Khi mắc “bẫy”, đương nhiên nạn nhân là người chịu thiệt thòi nhất bởi quá trình điều tra, xử lý mất nhiều thời gian và nhiều trường hợp không thể lấy lại tài sản. Do vậy, để hạn chế tình trạng “sập bẫy” du lịch, mỗi cá nhân cần “chậm lại một phút” trước khi ký kết, chuyển tiền trước những lời mời chào.

Ngoài sự cẩn trọng của mỗi người dân thì không thể thiếu vai trò “dọn đường”, “dẫn lối” của các cơ quan chức năng. Với cơ quan công an, ngoài việc thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý các vụ việc nổi cộm, cần tiếp tục chú trọng công tác truyền thông để người dân biết cách nhận diện các phương thức, thủ đoạn lừa đảo.

Đồng thời, đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm; tạo chỉ dẫn cho du khách về những doanh nghiệp uy tín, chất lượng, cảnh báo về những hoạt động hay đơn vị có thể mang lại rủi ro cho khách hàng. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng cần tăng cường khuyến cáo, khuyến khích du khách liên hệ xác nhận kỹ trong các giao dịch đặt tour.

Cùng với sự kiểm soát của cơ quan quản lý, sự cẩn trọng của mỗi người dân được xem là “lá chắn” phòng vệ vững chắc chống lại “vòi bạch tuộc” lừa đảo không ngừng biến đổi và tìm cách len lỏi vào cộng đồng.

Hà Linh
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hòa vào 'dòng chảy' cung ứng toàn cầu

'Dẹp loạn' quảng cáo sai sự thật: 'Cuộc chiến' chưa hồi kết trên không gian mạng

Thành phố Hà Nội sẽ làm gì để chống “mùa” bụi mịn?

Xét tuyển đại học bằng học bạ khó phản ánh năng lực thực chất của học sinh, dễ nảy sinh tiêu cực

Quỹ Tấm lòng Việt: ''Viết tiếp ước mơ đến trường'' của nhiều học sinh nghèo vượt khó

Lòng yêu nước 'cháy rực' trên sân trường: Hiệu ứng tích cực từ 'Anh trai vượt ngàn chông gai'

Doanh nghiệp dệt may phát huy sức sáng tạo của người lao động

Câu lạc bộ Máu nóng Gia Lai: 7 năm làm cầu nối trao đi những 'giọt hồng' yêu thương

Giải pháp để ngành Công Thương tiến nhanh trên hành trình chuyển đổi số

“Cấm” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Có khả thi?

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Nhà giáo trong kỷ nguyên số cần biến thách thức thành cơ hội để ngành giáo dục vươn mình

Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm truyền thống 50 năm

Gia Lai: Hỗ trợ cô giáo nghèo vượt qua gia cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế: Trợ lực 'tiếp sức' cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế

Bí quyết ‘cơ động’ của thầy Cường ‘động cơ’

Bộ Công Thương ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 9 (bão Man-yi)

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?

Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Đâu là lời giải cho "bài toán" thu hút đầu tư?