Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc tiếp tục soi đường, dẫn lối
Tết Độc lập (2/9) không chỉ là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường gian khổ mà dân tộc đã trải qua, mà còn là khoảnh khắc để mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, suy ngẫm về trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục bảo vệ và phát triển đất nước. Đây là chia sẻ của PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Giáo dục, Văn hoá của Quốc hội với phóng viên Báo Công Thương.
Ngày Quốc khánh không chỉ dừng lại ở việc nhớ về quá khứ, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo vệ và phát huy những giá trị của tự do, độc lập mà cha ông đã giành được. Ảnh: Nam Nguyễn |
Thưa ông, 79 năm đã qua, Ngày Quốc khánh 2/9 vẫn mang lại những cảm xúc hết sức đặc biệt về một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc. Xin ông chia sẻ về ý nghĩa, giá trị thời đại của ngày 2/9 trong bối cảnh đất nước hội nhập hiện nay?
Ngày Quốc khánh 2/9 là một dấu ấn lịch sử không chỉ đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam sau nhiều năm đấu tranh giành lại chủ quyền. Dưới ánh sáng của Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình năm 1945, ngày này đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và sự quyết tâm của cả dân tộc.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, ý nghĩa của Ngày Quốc khánh không chỉ dừng lại ở việc nhớ về quá khứ, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo vệ và phát huy những giá trị của tự do, độc lập mà cha ông đã giành được. Đây còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, thể hiện tinh thần tự cường và khát vọng vươn lên, xây dựng một đất nước giàu mạnh, hạnh phúc.
Ngày 2/9 cũng là dịp để nhìn lại những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, từ đó củng cố niềm tin và sức mạnh dân tộc trong việc tiếp tục thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững, giữ vững bản sắc văn hóa và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thế giới.
Ý nghĩa thời đại của Ngày Quốc khánh 2/9 chính là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa lòng yêu nước và trách nhiệm toàn cầu, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Uỷ ban Giáo dục, Văn hoá của Quốc hội |
Người dân, nhất là giới trẻ ngày nay đang có xu hướng tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử dân tộc; đặc biệt tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước được lan tỏa nhiều hơn qua nhiều hoạt động ý nghĩa như vẽ cờ Tổ quốc. Ông đánh giá gì về tinh thần này?
Việc giới trẻ ngày nay, tìm hiểu về lịch sử, đặc biệt là những di tích gắn liền với Ngày Tết Độc lập 2/9 và tích cực tham gia vào các hoạt động trong những ngày lễ lớn của dân tộc chính là ngọn lửa của tinh thần yêu nước đang bùng lên mãnh liệt trong trái tim của một thế hệ mới. Đó là những trái tim đầy nhiệt huyết, luôn hướng về cội nguồn, trân trọng những giá trị mà cha ông đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để bảo vệ.
Khi tôi nhìn thấy những lá cờ đỏ sao vàng được vẽ lên khắp nơi, từ mỗi ngôi nhà, góc phố đến trang mạng xã hội, tôi cảm nhận được một niềm tự hào không thể diễn tả bằng lời. Đó không chỉ là biểu tượng của quốc gia mà còn là hình ảnh của tình yêu, của sự gắn kết không biên giới giữa những con người Việt Nam. Mỗi lá cờ được vẽ nên, mỗi câu chuyện lịch sử được khám phá, kể lại, đều là những nhịp cầu nối liền quá khứ và tương lai, khẳng định tinh thần dân tộc sẽ không bao giờ bị lãng quên mà sẽ mãi mãi sống trong từng hơi thở của đất nước.
Nhìn vào sự nhiệt huyết của giới trẻ, tôi thấy trong đó không chỉ là tình yêu đất nước, mà còn là trách nhiệm với tương lai của dân tộc. Các bạn trẻ không chỉ tự hào vì quá khứ, mà còn đang viết tiếp câu chuyện của Việt Nam bằng sự sáng tạo và khát vọng vươn xa. Những hành động nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa đó chính là minh chứng cho một tương lai tươi sáng, nơi mà lòng yêu nước, tinh thần dân tộc sẽ tiếp tục soi đường, dẫn lối cho chúng ta tiến bước, cùng nhau xây dựng một Việt Nam ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.
Thời gian qua, có nhiều địa chỉ đỏ Cách mạng gắn với Ngày Tết Độc lập được cơ quan chức năng trưng bày, giới thiệu cũng như đổi mới cách thức hoạt động nhằm giáo dục lịch sử tới thế hệ trẻ. Theo ông, tác động của công tác này đến thế hệ trẻ ra sao?
Tôi đánh giá cao việc các cơ quan chức năng tập trung trưng bày, giới thiệu những tư liệu quý tại các địa chỉ đỏ cách mạng gắn liền với Ngày Độc lập và đổi mới cách thức hoạt động để giáo dục lịch sử, văn hóa dân tộc như là một bước tiến quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy di sản quý báu của dân tộc. Những chuyển biến tích cực này không chỉ mang lại sức sống mới cho các di tích lịch sử, mà còn tạo ra những cơ hội tuyệt vời để thế hệ trẻ tiếp cận, hiểu sâu hơn về quá khứ hào hùng của đất nước, khiến lịch sử trở nên sống động, gần gũi hơn với giới trẻ.
Những chuyển biến tích cực trong công tác trưng bày và giáo dục lịch sử không chỉ đơn thuần là việc bảo tồn di sản, mà còn là cách chúng ta truyền tải tinh thần bất khuất của dân tộc đến với tương lai. Theo đó, không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu biết hơn về lịch sử, mà còn khơi dậy trong họ niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với tương lai của đất nước. Khi những câu chuyện lịch sử được kể lại một cách sinh động và chân thực, nó không chỉ gợi lên những ký ức về một thời oanh liệt, mà còn truyền cảm hứng, khuyến khích thế hệ trẻ tiếp tục hành trình gìn giữ và phát huy những giá trị cao đẹp mà cha ông đã để lại.
Để tiếp tục phát huy tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của Ngày Độc lập, thời gian tới, công tác giáo dục truyền thống về lịch sử, các mốc son chói lọi của đất nước, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đổi mới, phát huy như thế nào, theo ông?
Để tiếp tục phát huy tinh thần và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà Ngày Độc lập là biểu tượng, theo tôi cần chú trọng hơn đến việc đưa giáo dục lịch sử và truyền thống vào đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Việc này có thể thực hiện thông qua các chương trình học đường, hoạt động ngoại khóa mang tính trải nghiệm, giúp học sinh, sinh viên không chỉ hiểu về lịch sử qua sách vở mà còn qua những chuyến tham quan thực tế tại các địa chỉ đỏ cách mạng, bảo tàng, di tích lịch sử.
Ngoài ra, hiện chúng ta đang sống trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Vì vậy, ứng dụng công nghệ trong công tác trưng bày, giới thiệu lịch sử phải được xem là một hướng đi cần được đầu tư mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các sự kiện, lễ hội mang tính cộng đồng, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Những sự kiện này không chỉ tạo ra không gian để giáo dục truyền thống mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, thắp sáng ngọn lửa tự hào dân tộc trong mỗi trái tim người dân Việt Nam.
Thêm vào đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, nhưng cần linh hoạt và sáng tạo hơn để tiếp cận được nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội và các kênh thông tin đại chúng cần được sử dụng hiệu quả để đưa những câu chuyện lịch sử, những tấm gương anh hùng, những giá trị cao đẹp của dân tộc đến với từng người dân.
Ngày Quốc khánh 2/9 là dịp để trân trọng hơn nền độc lập tự do, giới trẻ cần tiếp tục thể hiện trách nhiệm như thế nào nhằm phấn đấu đưa đất nước ngày càng tiến lên, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thưa ông?
Trong Ngày Tết Độc lập, việc tưởng nhớ và tri ân sự hy sinh của thế hệ trước phải đi đôi với hành động cụ thể để tiếp nối tinh thần đó. Mỗi người trẻ cần ý thức rằng trách nhiệm của họ không chỉ là một lời hứa mà là hành động thiết thực, để thực hiện khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Việt Nam tiến lên sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tôi cho rằng, để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các thế hệ đi trước và biến khát vọng "sánh vai với các cường quốc năm châu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực, giới trẻ cần thể hiện trách nhiệm của mình một cách rõ ràng và cụ thể. Đó là nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc thông qua việc học tập, tìm hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước. Hiểu biết sâu sắc về quá khứ không chỉ giúp họ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong hiện tại, mà còn là nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ để cống hiến cho tương lai.
Mặt khác, tinh thần tự lực, tự cường phải được thúc đẩy mạnh mẽ. Giới trẻ cần hiểu rằng mỗi thành công, mỗi bước tiến của cá nhân họ đều góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Họ cần không ngừng rèn luyện, sáng tạo và nỗ lực vươn lên trong mọi lĩnh vực. Từ những công việc nhỏ bé hàng ngày đến những dự án lớn lao, mỗi hành động đều cần được thực hiện với trách nhiệm và tâm huyết, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng mạnh, phồn vinh. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ cần giữ vững tinh thần hội nhập, nhưng đồng thời cũng kiên định giữ gìn bản sắc dân tộc
Trân trọng cảm ơn ông!