Long An cần tập trung phát triển công nghiệp, thương mại gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Ngày 31/3, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm trưởng Đoàn đến việc với tỉnh Long An về phát triển công nghiệp, thương mại.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn, lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý Khu kinh tế và Công ty điện lực Long An.
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với các Sở ngành, đơn vị liên quan về lĩnh vực công nghiệp, thương mại tại tỉnh Long An |
Đoàn công tác của Bộ Công Thương nghe báo cáo tình hình phát triển công nghiệp - thương mại năm 2022, 3 tháng đầu năm 2023 của tỉnh và các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương; các nội dung về phát triển công nghiệp và thương mại tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các chương trình, dự án quan trọng phát triển công nghiệp, thương mại của địa phương giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện hoạt động khuyến công, công tác quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn; những khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý.
Kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành Công Thương
Báo cáo với Đoàn công tác Bộ Công Thương về lĩnh vực ngành Công Thương, bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - cho biết: Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,46%. Đặc biệt, các chỉ số về công nghiệp, thương mại của Long An đạt được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, báo cáo với đoàn về tình hình phát triển ngành Công Thương với Đoàn công tác |
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,32% so cùng kỳ (cả nước tăng 7,8%) xếp thứ 10 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 41 cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 21,43%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD, tăng 8,94%, (cả nước tăng 10,6%) đứng đầu 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Longvà xếp thứ 13 cả nước.
Trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,82%, cao hơn cùng kỳ (2,83%) và cao hơn bình quân chung cả nước (3,32%). Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,44%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,5%. Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,38% so với cùng kỳ.
Về hạ tầng công nghiệp, Long An hiện có 23 cụm công nghiệp hoạt động thu hút 688 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê 812,31ha. Tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động 87,56% (tính trên diện tích đất thương phẩm đã hoàn chỉnh hạ tầng). Hiện có 450 doanh nghiệp đang hoạt động với số lượng lao động khoảng 34.000 lao động.
Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết, theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được phê duyệt đến năm 2020, Long An có 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.106 ha và cụm công nghiệp Hải Sơn Đức Hòa Đông, diện tích 261,2 ha (nằm ngoài quy hoạch đang lập thủ tục chuyển thành Khu công nghiệp). Đến nay, có 52 cụm công nghiệp , tổng diện tích hơn 2.655 ha đã có chủ trương đầu tư/quyết định thành lập cụm công nghiệp. Còn lại 10 cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư.
Về phát triển hạ tầng điện, hiện công tác hạ tầng điện trên địa bàn phát triển mạnh, nhất là các dự án nhiệt điện LNG (Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Long An I, II với tổng công suất 3.000MW, đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hiện đang lập các thủ tục đầu tư dự án theo quy định), năng lượng tái tạo từ điện mặt trời. Long An quy hoạch, có chủ trương phát triển nhà máy nhiệt điện, nhà máy đốt rác phát điện, nhà máy điện sinh khối, điện gió.
Đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc và khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Sản xuất-Thương mại Sáng Việt, sáng ngày 31/3/2023 tại tỉnh Long An |
Về phát triển hạ tầng thương mại, hiện nay, toàn tỉnh Long An có 125 chợ, trong đó có 107 chợ nông thôn; 7 siêu thị (4 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 33 siêu thị điện máy); 1 Trung tâm thương mại Vincom Plaza và 241 Cửa hàng tiện ích…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận, tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2023 tăng cao hơn cùng kỳ; tình hình xuất khẩu giảm; số doanh nghiệp ngừng kinh doanh (quý I/2023 299 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 70%) có xu hướng tăng tốc độ nhanh hơn số doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh (số doanh nghiệp thành lập mới giảm 9,6% về số doanh nghiệp, giảm 7,7% về vốn; một số doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn kinh doanh; tình hình thiếu đơn hàng của các đối tác nước ngoài…
Do đó, nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành Công Thương, tỉnh Long An kiến nghị Bộ Công Thương nhiều giải pháp về quản lý lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại; lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực thương mại cùng nhiều chính sách khác nhằm tạo thuận lợi cho phát triển ngành Công Thương địa phương.
Cần tập trung phát triển công nghiệp, thương mại gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Thị Thắng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Công Thương Long An thời gian qua. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng cho rằng ngành Công Thương Long An vẫn tồn tại một số hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Long An |
Cụ thể, hoạt động xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng thiếu tính ổn định, bền vững (Kim ngạch xuất khẩu Quý I năm 2023 ước đạt 1.433,03 triệu USD giảm 18,38% so với cùng kỳ). Ngoài ra, mạng lưới bán lẻ hiện đại còn mỏng, kết cấu hạ tầng thương mại khu vực nông thôn còn thiếu.
Long An chưa có cơ chế chính sách thu hút phát triển logistics giúp các mặt hàng nông sản có thể bảo quản dự trữ khi cần thiết, hệ thống phân phối tuy phát triển nhưng chưa phát huy vai trò kết nối đồng bộ giữa các tỉnh, thành để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản khi bị ùn ứ…
Để tiếp tục giữ vững các thành tích mà ngành Công Thương Long An đã đạt được, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể trong năm 2023, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị tỉnh Long An cần tiếp tục rà soát, bổ sung các chiến lược, đề án và kế hoạch phát triển các ngành kinh tế, nhất là lĩnh vực Công Thương để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Chủ động nghiên cứu quy hoạch vùng (Quyết định số 287/QĐ-TTG ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủphê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng triển khai thực hiện), quy hoạch quốc gia cũng như tham khảo quy hoạch của các địa phương khác để kịp thời điều chỉnh quy hoạch tỉnh ngay sau khi được công bố (nếu thấy những điểm bất hợp lý), để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư nói chung. Đặc biệt là kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư từ chương trình đầu tư quốc gia.
Bên cạnh đó, Long An cần quyết liệt kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp để mời gọi đầu tư, hỗ trợ, giải quyết các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng đất đai để triển khai nhanh các dự án lớn, trọng điểm, nhằm thu hút đầu tư tốt hơn.
Tiếp tục có cơ chế chính sách tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, nâng cao tỷ lệ lấp đầy. Cũng như, khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành, ưu tiên bố trí các dự án đầu tư có tính liên kết sử dụng các sản phẩm của nhau, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên kết phát triển thành doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn nước ngoài.
Đặc biệt, Long An cần có chính sách khuyến khích, tập trung phát triển công nghiệp và thương mại gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững, phát huy tối đa các ngành chủ lực, có thế mạnh của tỉnh như: Công nghiệp chế biến, trong đó chú trọng phát triển chế biến sâu sản phẩm nông sản, thủy sản và ngành ông nghiệp hỗ trợ (nhóm sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, hóa chất, công nghiệp phục vụ nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thân thiện với môi trường)…
Ngoài ra, Long An cần tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, logistics tạo động lực phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị Long An tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn ngân sách để triển khai hiệu quả Chương trình khuyến công tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025; theo đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tăng hiệu quả trong sản xuất, góp phần thực hiện định hướng phát triển sản xuất bền vững.