Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 3 tháng đầu năm nay cho thấy, lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm chủ yếu do tăng trưởng thu nhập lãi thuần chậm lại vì giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng thấp và tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Dữ liệu từ báo cáo tài chính của 26 ngân hàng vừa công bố cho thấy, 11 ngân hàng trong đó nhiều ngân hàng lớn như: Vietcombank, VietinBank, BIDV... đều sụt giảm lợi nhuận.
Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế của những ngân hàng này đạt gần 29.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng mức tăng trưởng này lại thấp hơn so với 2-3 năm trước.
Tuy sụt giảm nhưng top 10 ngân hàng có lãi cao nhất trong quý 1 năm nay vẫn là những cái tên quen thuộc, gồm: Vietcombank (báo lãi trước thuế riêng lẻ trong quý 1 năm nay đạt 5.119 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái), Techcombank (lợi nhuận trước thuế đạt 3.121 tỷ đồng), VietinBank (lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 2.974,4 tỷ đồng, giảm 5,7% so với 3 tháng đầu năm 2019), VPBank, MBBank (lợi nhuận trước trích lập đạt 4.288,2 tỷ đồng), ACB, BIDV (báo lãi trước thuế quý 1 ở mức 1.811 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ), HDBank (lợi nhuận trước thuế đạt 1.251 tỷ đồng), OCB và VIB.
Như đã đề cập, lợi nhuận trước thuế của nhiều ngân hàng sụt giảm đáng kể trong 3 tháng đầu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng bất ngờ tăng vọt.
Ví dụ như tại VietinBank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ tăng mạnh tới trên 35,5%, từ 3.241 tỷ đồng lên 4.392 tỷ đồng; MBBank chi phí trích lập dự phòng tăng vọt tới 117%, từ 964 tỷ đồng trong quý 1/2019 lên 2.092 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020.
Hay như tại Vietcombank, chi phí dự phòng của ngân hàng này tăng hơn 40%, lên 2.150 tỷ đồng...
Chính động thái mạnh tay trích lập chi phí dự phòng rủi ro nên bảng xếp hạng về lợi nhuận ngân hàng đã có sự xáo trộn lớn. Cùng với đó, nợ xấu của nhiều ngân hàng lại phình to.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý 1/2020 chưa bị tác động mạnh bởi Covid-19. Việc lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do ngân hàng chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro để tăng nguồn lực đối phó với nguy cơ nợ xấu có thể hình thành trong tương lai.
Thông tin tại hội nghị trực tuyến ngành ngân hàng vừa qua cho thấy, bước đầu các ngân hàng đã tiến hành cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ gần 63 nghìn tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ hơn 12 nghìn tỷ đồng. Quy mô này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong quý 2, khi Thông tư 01 thực sự đi vào thực tiễn (có hiệu lực từ 13/3).
Giới chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ thực sự rõ rệt trong quý 2 khi từ ngày 1/4, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất và phí dịch vụ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú mới đây cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước “hy sinh” khoản lớn lợi nhuận để góp sức hỗ trợ doanh nghiệp.
“Những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu 40% lợi nhuận. Ví dụ Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ đồng tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất khoảng 7.000 tỷ đồng dành cho vấn đề hạ lãi suất", Phó Thống đốc nói.
Theo báo cáo phân tích của một số công ty chứng khoán, nợ xấu của các ngân hàng thương mại có thể tăng trong bối cảnh dịch bệnh.
Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng chung đến lợi nhuận các ngành sản xuất và dịch vụ, hiện chiếm khoảng 82% cơ cấu cho vay, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.