Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn nhà đầu tư ASEAN
Tính đến ngày 20/7, cả nước có 3.040 dự án đầu tư còn hiệu lực của khu vực ASEAN với tổng vốn đăng ký 64,475 tỷ USD. Riêng 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút thêm 181 dự án mới và 79 dự án tăng vốn từ khu vực ASEAN với tổng vốn đầu tư 2,492 tỷ USD, chiếm 19,26% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các nhà đầu tư từ khu vực ASEAN cũng dành sự quan tâm vào một số lĩnh vực khác như kinh doanh bất động sản (tổng vốn đăng ký 19 tỷ USD), chiếm 29,4% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí nước, điều hòa và lĩnh vực xây dựng (tổng vốn đầu tư lần lượt là 3,37 tỷ USD và 2,9 tỷ USD), chiếm 5,2% và 4,5% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Singapore là quốc gia dẫn đầu trong khối ASEAN đầu tư tại thị trường Việt Nam, với 1.663 dự án đăng ký, tổng vốn đạt 38,1 tỷ USD, tiếp theo là Malaysia với 13,8 tỷ USD, Thái Lan 9,4 tỷ USD. Đặc biệt, thời gian gần đây, Singapore và Thái Lan là hai quốc gia liên tục tăng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao dự án của nhà đầu tư ASEAN tại Việt Nam, đặc biệt là dự án của nhà đầu tư Singapore. Các doanh nghiệp đến từ Singapore không chỉ tuân thủ tốt pháp luật Việt Nam mà các dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Sigapore (VSIP) còn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nước ta, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam- Singapore.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một trong những tồn tại của các nhà đầu tư ASEAN tại thị trường Việt Nam là chỉ tập trung đầu tư tại những địa phương thuận lợi về cơ sở hạ tầng như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… Đây là điểm cần khắc phục trong thời gian tới.
TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương thu hút FDI lớn nhất từ ASEAN với số vốn đăng ký lần lượt là 17,33 tỷ USD và 8,39 tỷ USD, chiếm 26,8% và 13% tổng vốn đầu tư của khu vực này vào Việt Nam. |