Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong quý III/2021, lực lượng lao động trong độ tuổi giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%, trong đó khu vực thành thị chiếm tỷ lệ cao nhất. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng kinh phí đã hỗ trợ người lao động khoảng 13.800 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để giữ chân lao động |
Tuy nhiên, diễn biến dịch còn phức tạp khiến một lượng lớn người lao động phải di chuyển về quê. Việc di chuyển này gây ra tình trạng mất cân bằng về cung - cầu lao động giữa các địa phương. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, do thiếu hụt nhân lực. Trong khi đó, những công nhân đã về quê lại rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc chưa bố trí được việc làm ngay...
Theo ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội), các địa phương cần xây dựng phương án cung ứng lao động, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong phương án này, cần phân loại nhu cầu lao động và có phương án đào tạo lao động phù hợp. Phía doanh nghiệp, có nhiều phương án sản xuất, kinh doanh mới, kèm theo đó là phương án sử dụng lao động.
Dưới góc độ doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - cho biết, lao động trong ngành điện tử gần như lúc nào cũng thiếu. Tuy nhiên, để đào tạo được một người lao động và làm được trong nhà máy điện tử thì phải mất khoảng thời gian không ngắn. Vì thế, mỗi công nhân của ngành điện tử đều rất đáng quý và doanh nghiệp nào cũng có quan điểm giữ chân lao động. Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo phúc lợi cho người lao động theo đúng quy định của Luật lao động thì mỗi doanh nghiệp đều đảm bảo chi trả lương, ngừng việc, chi phí hỗ trợ người lao động; tiêm vắc - xin cho người lao động và người thân, giúp họ yên tâm hơn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Cũng như các doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ngành nghề kinh doanh khác cũng lường trước tình trạng “hậu” Covid-19 sẽ trống vắng lao động, nên đã kịp thời đầu tư kinh phí nhằm giữ chân công nhân như: Hỗ trợ lương thực, thực phẩm và kinh phí chi tiêu hàng tháng, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động...
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi các đơn vị địa phương, chỉ đạo công đoàn cơ sở, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành chế độ, chính sách giữ chân người lao động, như trả lương tạm nghỉ việc; hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình; tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả... |