Chủ nhật 29/12/2024 04:37

Liên kết lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Với nhu cầu điện tăng cao, cùng những tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới đòi hỏi cần có giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nguồn, liên kết lưới điện là một giải pháp quan trọng. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về vấn đề này.

Thưa ông, từ khủng hoảng năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng việc liên kết lưới điện truyền tải giữa các quốc gia trong khu vực có ý nghĩa rất quan trọng. Xin ông cho biết, hiện nay EVNNPT đã triển khai liên kết lưới điện với các nước trong khu vực như thế nào?

Hiện nay các nước châu Âu đang rơi vào vòng xoáy tăng giá khí đốt và giá dầu. Nhiều nước trong khu vực châu Âu đã tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng có giá thành rẻ hơn để tránh tăng giá điện cho người tiêu dùng trong nước.

Đối với Việt Nam, theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, trong năm 2022 và một số năm tiếp theo tại khu vực miền Bắc, ở một số thời điểm có thể rất căng thẳng trong đảm bảo điện nên chúng ta vẫn phải tiếp tục nhập khẩu điện từ các nước láng giềng. Hiện Việt Nam đã nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện của Lào qua các đường dây 220kV Xekaman 3 – Thạnh Mỹ (Quảng Nam) và Xekaman 1 – Pleiku (Gia Lai). Cùng với đó, chúng ta cũng nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua các đường dây 220kV về Lào Cai và Hà Giang đã đóng điện vận hành từ năm 2006.

Mục đích của việc nhập khẩu điện là để bù cho phần công suất thiếu hụt có thể xảy ra trong các năm tới nhằm thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là luôn đảm bảo đủ điện cho các hoạt động kinh tế xã hội.

Ngoài ra, EVNNPT còn liên kết với lưới điện Campuchia thông qua đường dây 220kV Châu Đốc – Ta Keo từ hơn 10 năm nay (chủ yếu Việt Nam bán điện cho Campuchia).

Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT

Việc liên kết lưới điện truyền tải với các nước láng giềng có ý nghĩa như thế nào thưa ông? Lộ trình thời gian tới EVNNPT có đẩy mạnh liên kết sâu rộng với các nước trong khu vực không thưa ông?

Chủ trương liên kết với lưới điện các nước trong khu vực được Chính phủ Việt Nam quan tâm và chỉ đạo từ đầu những năm 2000 với chiến lược trọng tâm là nhập khẩu 2.000-3.000MW các nhà máy điện của Lào cũng như liên kết với lưới điện Campuchia và Trung Quốc. Việt Nam đã có kinh nghiệm gần 20 năm liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, khởi đầu là cấp điện áp 110kV, rồi nâng lên 220kV với 5 hướng kết nối tại Lào Cai, Hà Giang, Quảng Nam, Gia Lai và An Giang.

Việc kiên kết lưới điện nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên sẵn có, giảm tổn thất truyền tải, tăng tính dự phòng, từng bước khởi tạo và hoàn thiện thị trường điện khu vực và quốc tế.

Trong 10 năm tới sẽ đẩy mạnh liên kết với lưới điện của Lào ở các tỉnh biên giới: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam ở cấp điện áp 220kV và 500kV để nhập khẩu điện từ Lào. Ngoài ra EVNNPT sẽ nâng cấp liên kết lưới điện khu vực lên cấp điện áp 500kV tại 3 điểm Sơn La, Quảng Nam, Kon Tum để tham gia hình thành xương sống lưới điện truyền tải ASEAN Power Grid (APG) đã được lãnh đạo ASEAN thông qua từ năm 2014, hướng tới thị trường điện các nước ASEAN nằm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Khi liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, đâu là thách thức trong vận hành đối với hệ thống truyền tải điện?

Do mỗi nước trong khu vực áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình vận hành khác nhau nên khó khăn lớn nhất khi bắt đầu liên kết lưới điện với các nước khu vực là hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật để thiết kế, xây dựng các công trình lưới điện liên kết cũng như việc phối hợp vận hành lưới điện truyền tải liên kết các nước. Trong nhiều trường hợp như ở Campuchia và Lào, khi hình thành lưới điện liên kết phía bạn còn chưa có các công trình tương tự nên việc liên kết, vận hành lưới điện gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, các cán bộ kỹ thuật của EVNNPT và các công ty truyền tải điện đã trực tiếp đào tạo kỹ thuật và tham gia phối hợp vận hành, cùng xử lý sự cố với cán bộ kỹ thuật của phía bạn để đảm bảo vận hành an toàn, liên tục các đường dây truyền tải liên kết.

Ngoài ra, dưới sự bảo trợ của chính phủ các nước trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và các nước tiểu vùng sông Mê Kông GMS, các nước bạn Lào và Campuchia đã hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật của mình để phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Đến nay các bên đều đã quen thuộc với công nghệ liên kết lưới điện truyền tải ở cấp điện áp 220kV, phối hợp vận hành an toàn lưới điện liên kết khu vực.

Trong thời gian tới, khi Việt Nam nâng cấp liên kết lưới điện truyền tải thành cấp siêu cao áp 500kV thì các yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực vận hành, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đấu nối chung, cũng như phối hợp vận hành ở cấp siêu cao áp sẽ phải được thực hiện như những năm đầu liên kết lưới điện xuyên biên giới. Hơn nữa EVNNPT đã có Công ty dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS) chuyên nghiệp nên việc hỗ trợ các nước bạn vận hành sẽ có thể thực hiện tốt hơn so với trước đây.

Để thực hiện liên kết lưới điện truyền tải được hiệu quả, EVNNPT có đề xuất kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

Trong những năm qua, EVNNPT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc hỗ trợ để EVNNPT thực hiện nhiệm vụ chính trị gồm: Phát triển và vận hành hệ thống truyền tải điện trên toàn quốc nói chung và lưới điện truyền tải liên kết nói riêng liên tục, an toàn, ổn định phục vụ các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

EVNNPT đang hướng tới mục tiêu thành đơn vị truyền tải tiên tiến đứng ở top đầu châu Á, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực quản lý vận hành, dịch vụ kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp tầm cỡ khu vực, châu lục và thế giới để có thể xuất khẩu các dịch vụ này sang các nước khác.

Để đảm bảo an ninh năng lượng nói chung và tăng cường hiệu quả liên kết lưới điện truyền tải nói riêng, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực mạnh triển khai đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình nguồn thủy điện và điện gió có tiềm năng trên đất Lào, tăng khả năng cạnh tranh tốt hơn so với các doanh nghiệp của các nước khác trong khu vực cũng đang triển khai đầu tư tại Lào. Ngoài ra, cần thực hiện tăng cường tuyên truyền người dân, doanh nghiệp trong nước tích cực tham gia bảo vệ hàng lang an toàn của lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

PV
Bài viết cùng chủ đề: Lưới điện truyền tải

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Petrovietnam nêu thông điệp để đổi mới giá trị cốt lõi

Đường dây 500kV giải tỏa công suất Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 về đích

Điểm mới trong Dự thảo Nghị định về cơ chế giá bán lẻ điện bình quân

Thanh Hóa khởi công dự án thủy điện 420 tỷ đồng

VCCI góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Điện lực

Chỉ thị của Bộ Công Thương về đẩy mạnh tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân thành phố Đà Nẵng

Bình Thuận hướng đến mục tiêu trung tâm năng lượng quốc gia như thế nào?

Vượt khủng hoảng lớn nhất lịch sử, Petrovietnam tăng trưởng ngoạn mục

Các vụ lừa đảo, mạo danh điện lực tại miền Trung – Tây Nguyên tăng

Bộ Công Thương: Sẽ thu hồi các khoản giá FIT ưu đãi đối với dự án điện hưởng không đúng quy định

Thi công dự án trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối

Tổng công ty Đông Bắc 30 năm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Doanh nghiệp năng lượng vào thị trường carbon còn gặp khó vì thủ tục

Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai: Ưu tiên đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống dịp lễ, Tết

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: 7 nhóm giải pháp chiến lược từ PGS.TS. Vũ Trọng Lâm

Tập trung nguồn lực cho dự án sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Nga mong muốn trở thành quốc gia dẫn đầu trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Mô hình kho LNG trung tâm: Giải pháp chống lãng phí đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia

Hiện thực hóa 4 quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước