Thứ tư 01/01/2025 16:37

Lào Cai: “Đòn bẩy” từ kinh tế cửa khẩu

Từ một tỉnh miền núi biên giới nghèo, thu ngân sách không đủ chi tối thiểu cho đầu tư, phát triển hàng năm, Lào Cai đã vươn lên gia nhập “câu lạc bộ thu ngân sách nghìn tỷ”, với mức thu đạt 5.500 tỷ đồng năm 2015. Đóng góp vào thành tựu quan trọng này có nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa (kinh tế cửa khẩu).
Một góc Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai

Phát huy lợi thế chiến lược

Có nhiều nhân tố đã khiến cho Lào Cai trong 15 năm gần đây đổi thay nhanh và phát triển mạnh. Ngoài việc phát huy hiệu quả yếu tố nội lực, theo ông Đoàn Đình Khôi - nguyên Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu - Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai - tỉnh đã khai thác hiệu quả lợi thế vị trí địa - kinh tế của Cửa khẩu quốc tế Lào Cai trong quá trình đất nước mở cửa, hội nhập, thúc đẩy giao lưu thương mại, thu hút doanh nghiệp đến Lào Cai đầu tư, kinh doanh mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương. Xác định cửa khẩu Lào Cai có vị trí địa - kinh tế thuận lợi, kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các nước ASEAN theo con đường ngắn nhất thông qua cảng biển Hải Phòng, cầu nối thúc đẩy tự do hóa thương mại... giữa Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung với Trung Quốc. Tận dụng lợi thế này, tỉnh đã lập đề án và được Chính phủ cho phép thành lập khu kinh tế cửa khẩu.

Chúng tôi về cửa khẩu Lào Cai lần đầu năm 2001, khi đó, nền tảng kinh tế tỉnh vẫn yếu, hạ tầng nói chung và tại khu kinh tế cửa khẩu nói riêng còn khó khăn; trao đổi thương mại qua cửa khẩu nhỏ lẻ, tổng kim ngạch mới chỉ đạt 210 triệu USD/năm. Toàn tỉnh Lào Cai chỉ có 165 doanh nghiệp hoạt động, quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Số thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ đạt 250 tỷ đồng, chưa đáp ứng nổi 30% số chi hàng năm, vẫn dựa vào nguồn ngân sách phân bổ có hạn từ trung ương, thu ngân sách từ hoạt động kinh tế cửa khẩu chưa đáng kể.

Sau khi thành lập khu kinh tế cửa khẩu, Lào Cai điều chỉnh quy hoạch, huy động khoảng 3.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức lại và đổi mới quản lý các cửa khẩu và lối mở trên địa bàn; đồng thời tạo cơ chế hấp dẫn thu hút đầu tư - kinh doanh xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với thông điệp: “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”. Trong suốt 15 năm phát triển khu kinh tế cửa khẩu từ 2001 đến nay, tỉnh đã đưa kinh tế cửa khẩu trở thành mũi nhọn; động lực phát triển kinh tế địa phương, triển khai thực hiện nhất quán, hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu.

Trở lại Lào Cai những ngày cuối năm 2015, tận mắt thấy 4 tiểu khu kinh tế trong khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được đầu tư bài bản, hiện đại; trọng điểm là khu vực Cửa khẩu quốc tế Lào Cai với diện tích 6,8 ha (gồm khu kiểm hóa, trung tâm quản lý cửa khẩu, khuôn viên cửa khẩu, trung tâm thương mại...) và Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, diện tích 156 ha với cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, khang trang, trực tiếp phục vụ hoạt động quản lý, giao lưu phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch... rất chuyên nghiệp, bài bản.

Giao thương sôi động

Hạ tầng, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện đã thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai tăng trưởng rất mạnh từng năm, kéo theo số thu ngân sách trên địa bàn tăng theo. Mặc dù trong 10 năm đầu phát triển (từ 2001-2010), kinh tế thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động bất lợi, song kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai năm 2010 vẫn đạt 857 triệu USD, tăng 300% so với năm 2001, tăng 20% so với năm 2009. Trên 430 tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên hoạt động trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Đến năm 2015, dù có những yếu tố tác động bất lợi khiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Lào Cai có phần bị chững lại so với năm 2014, nhưng theo ước tính của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt khoảng 2,144 tỷ USD (tăng hơn 2 lần so với năm 2010). Số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn năm 2015 đã lên đến hơn 3.000 doanh nghiệp. Thống kê của hải quan Lào Cai cũng cho thấy, số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai cũng đã lên đến gần 1.000 doanh nghiệp.

Xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động đóng góp rất lớn nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phục vụ cho đầu tư phát triển. Từ chỗ thu không đủ bù chi, năm 2004, Lào Cai đã gia nhập câu lạc bộ số thu ngân sách 500 tỷ đồng (gấp đôi năm 2001), vài năm sau đã gia nhập câu lạc bộ các tỉnh có số thu ngân sách nghìn tỷ đồng. Đến năm 2015, thu ngân sách toàn tỉnh ước đạt 5.500 tỷ đồng (gấp hơn 20 lần so với 2001), trong đó thu từ xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì được ở mức khá cao khoảng trên 1.300 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý Cửa khẩu Lào Cai, hàng năm, các lực lượng chức năng đã giải quyết thủ tục cho khoảng 2 triệu lượt người, từ 40.000 - 70.000 lượt xe ôtô, khoảng 800 lượt đôi tàu hỏa liên vận xuất nhập cảnh qua lại. Thủ tục hành chính nhanh gọn, thông thoáng, hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại thuận lợi; lượng khách đến Lào Cai du lịch những năm vừa qua tăng trưởng bình quân trên 13%/năm, đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách trong năm 2015. Hơn 100 dự án được cấp phép đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu, với tổng số vốn đầu tư đăng ký vào khoảng 5.600 tỷ đồng.

Kinh tế cửa khẩu phát triển đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của Lào Cai, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân... Theo thống kê, hiện có khoảng 4.000- 5.000 người lao động có việc làm trong khu kinh tế cửa khẩu với mức thu nhập bình quân từ 4- 6 triệu đồng/người/tháng.
Lan Ngọc - Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Lào Cai