Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội chỉ đạo nóng sau phản ánh của Báo Công Thương về tiết học có ''đường lưỡi bò''
Sau phản ánh của Báo Công Thương về hình ảnh một lớp học trình chiếu bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”, ngày 23/9, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản số 11597/VP-KGVX để gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Công an Thành phố Hà Nội.
Cụ thể, văn bản cho biết ngày 20/9/2024, Báo Điện tử Congthuong.vn có bài: “Xôn xao vụ tiết học tiếng Trung tại Hà Nội trình chiếu bản đồ có "đường lưỡi bò"?.
Hình ảnh một lớp học được nhận định nằm trên địa bàn TP. Hà Nội có trình chiếu "đường lưỡi bò". Ảnh chụp màn hình |
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu, kiểm điểm, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), thông tin trả lời báo chí theo quy định.
Đồng thời báo cáo UBND Thành phố trước ngày 24/9/2024.
Trước đó, vào ngày 20/9, Báo Công Thương đã ghi nhận hình ảnh một lớp học trình chiếu hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội Facebook, gây phẫn nộ, phản ứng trái chiều. Thông qua tìm hiểu, nhiều tài khoản, thông tin đăng tải nêu rằng lớp học thuộc một trường THPT trên địa bàn TP. Hà Nội.
Trên thực tế, theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, câu chuyện Trung Quốc đưa "đường lưỡi bò" vào các sản phẩm văn hóa, điện ảnh, giải trí… không chỉ nóng ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước như Nhật Bản, Philippines, thậm chí ở nhiều nước phương Tây.
Đáng chú ý, bên cạnh việc đưa "đường lưỡi bò" vào các sản phẩm giải trí, văn hóa, hình ảnh bản đồ không chính xác này hiện đã được ghi nhận xuất hiện tại nhiều chương trình giảng dạy tại Việt Nam, tiếp cận với lứa tuổi thanh, thiếu niên. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị các thầy, cô, người giảng dạy liên quan đến các hình ảnh bản đồ, chủ quyền của đất nước Việt Nam cần phải hết sức lưu ý để tránh gây ra những hậu quả không như mong muốn.
"Đường lưỡi bò" hay còn gọi "đường 9 đoạn" là một đoạn đường đứt khúc ban đầu có 11 đoạn bao quanh các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Trung Sa và có điểm giới hạn phía Nam là vĩ tuyến 40. Tuy nhiên vào năm 1953, "đường 11 đoạn" này được Trung Quốc điều chỉnh thành "đường 9 đoạn" (bỏ 2 đoạn nằm trong khu vực Vịnh Bắc Bộ). Trung Quốc luôn khẳng định đã đặt tên cho các thực thể ở biển Đông từ thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh việc Trung Quốc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, Việt Nam đã có đầy đủ bằng chứng chứng minh Việt Nam đã quản lý hiệu quả hai quần đảo này từ thời kỳ phong kiến. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính hai quần đảo này trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến. |