Lạng Sơn: Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch
Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn ở mức thấp
Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết, trong những năm qua các cấp uỷ đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả; tập trung đầu tư, hoàn thành một số công trình, dự án hạ tầng giao thông và đô thị quan trọng, bảo đảm kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ; thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về cơ chế, chính sách, thủ tục, tài liệu tiếp cận lập dự án đầu tư.
Tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính |
Đồng thời, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận thực hiện giải quyết thủ tục hành chính; công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn được cải thiện rõ rệt.
Nhờ đó, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã có bước cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, năm 2020 đạt 62,43 điểm, tăng 6,14 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố), góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư, điển hình như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm; công tác lập, quản lý quy hoạch kinh tế - xã hội, đất đai, đô thị, ngành, lĩnh vực còn hạn chế; cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng... còn chậm.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn ở mức thấp (tổng điểm đạt được ở nhóm trung bình); dịch vụ hỗ trợ đầu tư kinh doanh, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu mặt bằng, quỹ đất sạch, cùng các vướng mắc, hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trên địa bàn.
Phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này, ông Nguyễn Quốc Đoàn nêu, về nguyên nhân khách quan, xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh thấp so với mức trung bình chung của cả nước, những điều kiện khó khăn đặc thù là một tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, hạ tầng cơ sở, kỹ thuật, nguồn lực cho đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về nguyên nhân chủ quan, một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo; chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập, phát triển kinh tế; phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự ngang tầm nhiệm vụ.
Công tác tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận các chính sách còn hạn chế; thực hiện việc công khai, minh bạch những chủ trương, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch chưa kịp thời; chưa phát huy được sức mạnh, vai trò tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân trong xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 5.500 doanh nghiệp
Trước tình hình trên, ngày 23/8/2021, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của chính quyền và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tạo dựng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Lạng Sơn xếp ở nhóm khá so với cả nước, nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. - “Tỉnh xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế” - ông Nguyễn Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Mục tiêu cụ thể, tỉnh Lạng Sơn đặt ra đó là phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 166 - 168 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đạt khoảng 115 - 120 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 70% - 75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trung bình mỗi năm thành lập mới từ 500 - 600 doanh nghiệp; đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 5.500 doanh nghiệp.
Xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Phấn đấu 80% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 được cung cấp đa kênh, đa phương tiện truy cập; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Ngoài ra, tiếp tục duy trì những chỉ số thành phần của PCI có thứ hạng cao và cải thiện, tăng điểm đối với những chỉ số thấp điểm, phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ năm 2021 trở đi nằm trong nhóm khá của cả nước.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Lạng Sơn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch.
Mặt khác, rà soát, bổ sung, điều chỉnh nâng cao chất lượng và công khai quy hoạch; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và khu vực dân cư để đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại;
Tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực; giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường ổn định cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.