Lạng Sơn: Phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, mang dấu ấn đặc trưng riêng
“Đánh thức” tiềm năng du lịch cộng đồng tại Hữu Liên
Đến với khu thảo nguyên Đồng Lâm, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn vào những ngày cuối tháng 10, chúng tôi không khỏi bất ngờ với cảnh sắc nơi đây. Theo anh xe ôm người địa phương Lèo Văn Thảm, thường thì từ tháng 4 đến tháng 9, nước do các dòng suối đổ vào khu thảo nguyên này, biến nó thành một hồ nước mênh mông. Nhưng từ cuối tháng 9 trở đi, nước rút xuống qua các hố, hõm gần chân núi đá khu vực này trở thành một thảo nguyên xanh rộng lớn.
Hoạt động cắm trại của du khách tại Thảo nguyên Đồng Lâm, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn |
“Lúc đầu chỉ có dân phượt đến khám phá thiên nhiên, cắm trại rồi vào bản thuê nhà để nghỉ. Nắm bắt nhu cầu đó, em gái tôi là Lèo Thị Thim mở homestay Rừng Xanh cho khách nghỉ trọ. Tôi làm dịch vụ đưa đón khách từ chỗ nghỉ vào khu thảo nguyên mỗi lượt 80.000 đồng, nhờ vậy mà có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn” - anh Thảm chia sẻ.
Chị Lèo Thị Thim, chủ homestay Rừng Xanh là một trong những hộ đầu tiên làm dịch vụ lưu trú tại bản Đoàn Kết, xã Hữu Liên - cho biết: “Những ngày đầu làm dịch vụ, hàng xóm xung quanh cũng không ủng hộ, vứt rác ra trước cửa nhà, vệ sinh môi trường chưa được tốt. Tuy nhiên, khách đến đây thường mua hàng nông sản của người dân xung quanh, thấy lợi ích và được chính quyền vận động, nên cảnh quan môi trường mới được cải thiện”.
Theo ông Hoàng Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên, du lịch cộng đồng tại xã hình thành từ năm 2017, khi khách du lịch đến thảo nguyên Đồng Lâm và Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên nhiều. Nhận thấy tiềm năng phát triển, xã Hữu Liên ban hành riêng nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, trong đó hình thành bãi xe tại bản Đoàn Kết, vận động người dân bảo tồn ngôi nhà truyền thống, tạo cảnh quan, giữ vệ sinh môi trường… Hiện, toàn xã có 22 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng với cơ sở hạ tầng đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách như: khu vực ăn uống, nghỉ ngơi và có thể tiếp đón, phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu lưu trú.
Theo thống kê cho thấy, năm 2022 và 2023 khách đến điểm du lịch Hữu Liên đạt khoảng trên 30.000 lượt khách, trong đó có trên 15.000 lượt khách lưu trú, doanh thu từ du lịch khoảng hơn 10 tỷ đồng/năm. “Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng điểm du lịch cộng đồng Hữu Liên thành thương hiệu có sức cạnh tranh cao, đạt tiêu chuẩn ASEAN và trở thành mô hình du lịch cộng đồng đặc trưng, tiêu biểu, hoạt động hiệu quả” - Hoàng Thanh Hiếu cho hay. Lãnh đạo xã Hữu Liên cũng khẳng định, du lịch đang tạo ra sự thay đổi về cơ cấu kinh tế của địa phương, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Thôn Đoàn Kết, một làng du lịch cộng đồng tại xã Hữu Liên, Hữu Lũng, Lạng Sơn giờ đây đã khang trang sạch đẹp |
Dấu ấn từ Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi
Để có được những kết quả trên, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn - cho biết, thực hiện Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, trong 2 năm liền 2022 và 2023, ngành du lịch đã hỗ trợ xã Hữu Liên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các hộ gia đình làm homestay như: thiết kế, bài trí khu nhà nghỉ cộng đồng và tổ chức, chuẩn bị bữa ăn đạt chuẩn. Cùng với đó, khuyến khích người dân phục dựng, bảo tồn các di sản mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như hát then, đàn tính, múa sư tử mèo… nhằm phục vụ nhu cầu của du khách.
Bên cạnh đó, ngành du lịch còn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Hữu Liên - điểm đến an toàn, thân thiện tới du khách bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang thông tin điện tử của tỉnh, huyện, xã; các trang fanpage, mạng xã hội, cẩm nang du lịch Việt Nam, trưng bày giới thiệu các sản phẩm du lịch... Đồng thời, phối hợp với huyện Hữu Lũng và Sở Ngoại vụ Lạng Sơn xây dựng và phát hành 500 ấn phẩm “Hữu Lũng khai thác thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững” được thể hiện song ngữ với 5 ngôn ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Nhật, Việt - Hàn, Việt - Trung. Tạo điều kiện hỗ trợ các đoàn làm phim, các hãng truyền hình, công ty sản xuất chương trình truyền hình, các kênh truyền hình đến quay phim và ghi hình nhằm quảng bá du lịch tại xã Hữu Liên nói riêng và huyện Hữu Lũng nói chung.
Anh Nguyễn Đình Lâm, chủ Homestay Sơn Thủy, làng du lịch cộng đồng Hữu Liên - chia sẻ: “Được tuyên truyền, học tập kinh nghiệm làm du lịch và kiến thức ngoại ngữ nên tôi thấy rất thiết thực. Riêng gia đình tôi từ năm 2022 đến nay đã đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng thêm nhà nghỉ du lịch cộng đồng đạt chuẩn, trong đó chú trọng phát huy nét đẹp của nhà sàn truyền thống, bên cạnh đó, chúng tôi đã đưa các món ăn đặc sản của địa phương như: bánh chưng cẩm, bánh giò bầu, xôi cẩm… vào phục vụ nhu cầu của du khách”.
Có thể thấy, nhờ thực hiện tốt Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, mang dấu ấn, đặc trưng riêng có cho tỉnh Lạng Sơn. Nhờ đó, năm 2023, Lạng Sơn đã đón hơn 3,9 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022; thu nhập từ lĩnh vực du lịch ước đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng; tăng 49,3% so với cùng kỳ năm 2022. 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón trên 3,6 triệu lượt khách du lịch, đạt trên 90% kế hoạch, tăng 5,6% so với cùng kỳ, doanh thu trên 3.170 tỷ đồng.
Có thể nói mô hình làng du lịch cộng đồng xã Hữu Liên của huyện Hữu Lũng đã và đang tạo sức lan tỏa ngày càng lớn không những chỉ trong tỉnh Lạng Sơn mà còn sang các địa phương, tỉnh khác trong cả nước; tin tưởng rằng, thời gian tới mô hình Hữu Liên nói riêng và các mô hình khác, đặc biệt là Lạng Sơn vừa được Hội đồng công viên địa chất toàn cầu UNESCO họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là công viên địa chất toàn cầu UNESCO, tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực tạo nên sức sống mới thu hút nhiều du khách đến thăm, trải nghiệm, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.