Làng nghề ở Hà Nội chuyển mình nhờ sản xuất sạch
Đẩy mạnh tuyên truyền về sản xuất sạch ở làng nghề
Hiện, Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề truyền thống, đa số các làng có nghề đều thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường. Nguyên nhân dẫn đến việc phải đánh giá tác động môi trường là do không ít làng nghề phát triển tự phát nằm xen kẽ trong các khu dân cư, cơ sở hạ tầng kém, hệ thống xử lý rác thải làng nghề không đầy đủ… gây ô nhiễm nghiêm trọng. Việc đánh giá tác động môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc làng nghề phát triển kém bền vững, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người làm nghề
Để phát triển các làng nghề truyền thống bền vững, áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) là một trong những giải pháp quan trọng được các hợp tác xã và hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Hà Nội tích cực triển khai nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế, xã hội.
Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, trong đó có chương trình kết nối hợp tác giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân phối bán lẻ hướng tới sản xuất sạch, tiêu dùng xanh (Ảnh minh họa: Thu Hường) |
Ông Nguyễn Đình Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ: Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhấn mạnh đến mục tiêu: Phấn đấu đến hết năm 2024, TP. Hà Nội giảm 3,5 - 4,5% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa. Tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 80%. Trong đó, 85% các khu, cụm công nghiệp và 60% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Để đạt được các mục tiêu trên, TP. Hà Nội đề ra một số nội dung triển khai gồm: Đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Đồng thời, phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Việc áp dụng SXSH tuy chưa được triển khai đồng bộ ở tất cả các cơ sở sản xuất trong các làng nghề ở thủ đô, nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường, giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Qua các mô hình HTX điển hình, các làng nghề sẽ có biện pháp hướng tới làng nghề xanh, phát triển bền vững.
Và để lan tỏa hơn nữa các giải pháp,mô hình sản xuất sạch tại làng nghề, ngay trong đầu tháng 9/2024, Sở Công Thương Hà Nội đã giao cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội tổ chức kết nối Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành gốm sứ diễn ra tại Làng gốm Kim Lan, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm; tổ chức Lễ phát động tiêu dùng xanh, bền vững và chương trình liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường tại Trung tâm Thương mại BigC Thăng Long, TP. Hà Nội
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, thời gian qua, các cơ sở sản xuất gốm sứ ở Kim Lan đã dần hồi phục và chuyển đổi lò nung gốm bằng nhiên liệu hóa thạch sang lò gốm sử dụng nhiên liệu gas đã đem lại hiệu quả về cả môi trường, xã hội và kinh tế.
Đơn cử như tại Hợp tác xã (HTX) công nông nghiệp Kim Lan, đây là cơ sở sản xuất gốm ở làng nghề gốm Kim Lan, cũng đã áp dụng sản xuất sạch chuyển đổi từ lò nung chạy bằng than sang lò nung chạy bằng gas hiện đại, góp phần giảm tỉ lệ sản phẩm hỏng xuống còn 2 - 5% trong khi trước kia, với lò thủ công, con số này khá cao (khoảng 20%), đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Môi trường làm việc của công nhân cũng được cải thiện do giảm lượng khí thải phát thải ra môi trường.
Giờ đây các cơ sở sản xuất gốm ở Kim Lan đã chủ động áp dụng các giải pháp sản xuất sạch (Ảnh: SCT) |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX công nông nghiệp Kim Lan cho hay: “Việc áp dụng SXSH tuy chưa được triển khai đồng bộ ở tất cả các cơ sở sản xuất trong xã Kim Lan nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Qua mô hình của HTX, các làng nghề sẽ có các biện pháp hướng tới làng nghề xanh, phát triển bền vững.
Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề
Hiện nay, để khắc phục ô nhiễm môi trường và phát triển sản xuất tại các làng nghề là áp dụng các giải pháp SXSH. Giải pháp này đang được UBND TP. Hà Nội cũng như các tổ chức quốc tế quan tâm cho triển khai từ nhiều năm nay.
Điển hình như xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), vài năm gần đây, một số cơ sở sản xuất tăm hương đã tích cực thu gom bụi, vật liệu thừa để ép bán lại cho các cơ sở sản xuất thành than củi, hạn chế việc đốt rác thải gây ô nhiễm không khí.
Ông Nguyễn Tiến Thi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu chia sẻ, HTX đã áp dụng SXSH trong quá trình sản xuất, cụ thể HTX chỉ sử dụng những nguyên liệu từ thiên nhiên, không ngâm tẩm hóa chất để bảo đảm sức khỏe con người và hạn chế ô nhiễm môi trường không khí.
HTX cũng đã ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Việc se tay truyền thống được thay thế bằng máy móc giúp năng suất lao động tăng, thành phẩm vừa đẹp lại đều. Chất lượng và mùi thơm của hương vẫn được đảm bảo.
Làng nghề mây tre đan ở Phú Vinh cũng đã áp dụng sản xuất sạch vào sản xuất (Ảnh:Phú Bình) |
Hay như, tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, một số HTX mây tre đan ở đây cũng đã áp dụng SXSH, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thủy, giám đốc HTX mây tre đan xuất khẩu Phú Vinh, chia sẻ: Trước khi thực hiện SXSH, HTX bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua.
Hóa chất tổn thất nhiều do hệ thống luộc và tẩm mây làm bằng xi măng không có gia nhiệt, cũng ở khâu này, thêm 10% nguyên liệu tiếp tục bị hao hụt.
Khi thực hiện SXSH, kết quả mang lại thật không ngờ, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh mà HTX không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm phát thải ra môi trường.
Như vậy, để bảo vệ môi trường làng nghề, làng nghề truyền thống được tốt hơn, ông Nguyễn Đình Thắng khẳng định trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn các làng nghề thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, qua đó tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, giảm phát thải, tăng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp của địa phương.
Có thể nói, khi các làng nghề hướng đến phát triển xanh, bền vững không chỉ giải bài toán về môi trường, mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Bởi vậy, việc SXSH để giảm thiểu ô nhiễm, tăng năng suất sẽ là lời giải “kép” cho bài toán kinh tế của các làng nghề của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.