Thứ tư 04/12/2024 16:04

Làng nghề Hà Nội: Nỗ lực khôi phục sản xuất

Sau thời gian “đóng băng” sản xuất, kinh doanh vì dịch Covid-19, các làng nghề Hà Nội đang bắt đầu khôi phục lại nhiều hoạt động. Tuy nhiên, để sớm trở lại như trước, các làng nghề rất cần sự tiếp sức từ chính sách hỗ trợ do nguồn vốn đã suy giảm, thị trường đứt gãy, chi phí vận chuyển tăng cao.

Lao đao vì đại dịch

Những năm gần đây, các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế làng nghề, doanh thu giảm 20 - 50% so với thời điểm chưa có dịch bệnh. Đặc biệt, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề Hà Nội gặp nhiều lao đao. Hầu hết làng nghề bị đứt gãy chuỗi sản xuất, lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu, lao động ngừng việc…, khiến sản xuất càng khó khăn hơn.

Nhiều sản phẩm của làng nghề khó tiêu thụ vì thị trường đứt gãy

Tại làng nghề Bát Tràng, với hơn 1.000 hộ, có tới 700 hộ làm nghề gốm, trong đó, 400 hộ có lò nung. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác nước ngoài ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra phải lưu kho, đa phần các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa. Chị Mỹ Trinh - chủ cơ sở gốm Đạo - chia sẻ, cơ sở sản xuất của gia đình chị chủ yếu làm gốm thủ công nên khi dịch Covid-19 bùng phát đã phải dừng sản xuất gần hai năm nay do nhu cầu thị trường sụt giảm. Gốm thủ công vốn làm theo đơn, sản lượng cực ít so với gốm công nghiệp, lợi nhuận lại không nhiều nên chưa lúc nào lại gặp khó khăn như hiện tại.

Không chỉ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, ngay cả doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh tại Bát Tràng cũng lao đao vì dịch bệnh. Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh - cho biết, dịch Covid-19 đã khiến nhiều hộ sản xuất, kinh doanh làng nghề gặp khó. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia không được thuận lợi nên hàng hóa tồn đọng trong kho, khiến doanh nghiệp đọng vốn. Cùng chung tình cảnh này, dù Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đang xuất khẩu sản phẩm đến gần 30 quốc gia, mỗi quốc gia có từ 4 - 5 đối tác, nhưng doanh nghiệp vẫn không có lãi vì phải chia sẻ với các nhà nhập khẩu do chi phí logistics quá cao.

Tại buổi làm việc với một số đơn vị thuộc làng nghề Bát Tràng mới đây, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) - đánh giá, qua khảo sát các doanh nghiệp làng nghề, khu vực sản xuất nhỏ, đặc biệt là khu vực tiểu thủ công nghiệp cho thấy, tình hình dừng sản xuất tương đối lâu của các hộ sản xuất, khiến chuỗi sản xuất có bộ phận bị ngưng trệ. “Khó khăn của làng nghề đang rất lớn, cần có các giải pháp thông suốt chuỗi tiêu thụ, duy trì được mối hàng của doanh nghiệp xuất khẩu, duy trì được sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, cần đề xuất thêm các cơ chế, chính sách mới, sát với tình hình thực tế tại các địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất” - ông Trung nhấn mạnh.

Cần thêm những hỗ trợ tiếp sức

Hà Nội đã chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, nên mục tiêu hiện nay là tập trung khôi phục sản xuất, phấn đấu tăng doanh thu ở những tháng cuối năm, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chủ trương của thành phố, sau thời gian tạm dừng hoạt động, nhiều cơ sở sản xuất làng nghề cũng đã bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại. Ông Vũ Hoàng Hà - Chủ cơ sở đồ gỗ Hoàng Hà (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) - cho hay, xưởng gỗ của gia đình ông dừng hoạt động từ cuối tháng 7, khi thành phố mở cửa lại kinh tế, cơ sở lập tức huy động được 80% nhân công trở lại làm việc để đáp ứng các đơn hàng còn nợ và tập trung chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Sự trở lại của làng nghề là dấu hiệu tích cực để khôi phục kinh tế của Hà Nội, nhưng hầu hết làng nghề đang trong giai đoạn nỗ lực xoay chuyển, tìm hướng thích nghi trước những tác động của dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường bị thu hẹp nên việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa không tránh khỏi khó khăn. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - ông Lưu Duy Dần cho rằng, trong bối cảnh khó lường của dịch bệnh, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm vẫn là vấn đề nan giải của các làng nghề. Trước những khó khăn đang hiện hữu, ngân hàng cần tiếp tục xem xét nới lỏng các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi, giúp doanh nghiệp đủ vốn phục hồi sản xuất.

Những năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại… Đồng thời, ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các làng nghề duy trì và phát triển như: Chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn, hỗ trợ kinh phí công nhận danh hiệu làng nghề. Ngay thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm giúp các làng nghề của TP. Hà Nội gia tăng giá trị, thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề. Đặc biệt, nhiều địa phương tích cực triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ để giúp đỡ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động vượt qua khó khăn.

Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, để làng nghề sớm hồi sinh, Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương, nắm bắt nhu cầu thị trường, kết nối tiêu thụ, tập trung vào nhóm sản phẩm làng nghề đạt chứng nhận OCOP; triển khai trang thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm làng nghề; phối hợp tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn vốn cho các làng nghề khôi phục sản xuất, triển khai hiệu quả các chương trình: Hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ; đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp và chính sách liên quan đến làng nghề… Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho rằng, các hộ sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp làng nghề cần có giải pháp, chiến lược kinh doanh tốt nhất phù hợp với tình hình mới. Chính quyền địa phương cần có kế hoạch hỗ trợ làng nghề hoạt động phù hợp, động viên tinh thần sát thực nhất với hộ kinh doanh làng nghề…

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, làng có nghề, trong đó, 313 làng nghề truyền thống đã được công nhận, 207 làng có nghề đang phát triển. Có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10 - 20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm.

Hoa Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại, kích cầu tiêu dùng

Cựu cầu thủ Đà Nẵng Trần Anh Khoa qua đời

Ước tính, hàng năm có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường

Huyện Bắc Yên – Sơn La: nguồn vốn từ Chương trình 1719 giúp đổi thay đời sống người dân

Sơn La: Gần 916 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Sơn La: Nâng cao hiệu quả chế biến nông sản

Cần Thơ: Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh trong tháng 11

Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Điểm lại một số đột phá trong cải cách hành chính và chuyển đổi số tại tỉnh Quảng Ninh trong năm 2024

Đông Triều (Quảng Ninh) thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số Sơn La cải thiện sinh kế

Sở Công Thương Hải Phòng phát động Tháng khuyến mại năm 2024

Quảng Bình: Công nghiệp, thương mại còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2024

Vì sao tỉnh Thanh Hóa dừng khai thác đất san lấp dự án khu đô thị Bình Sơn của Công ty VACIC?

Cà phê Bích Thao Sơn La tiếp tục đạt OCOP 5 sao

Lạng Sơn: Khai mạc Hội chợ Thương mại, Du lịch Quốc tế Việt - Trung

Nam Định thực hiện 77,5% vốn đầu tư công do địa phương quản lý

Chủ tịch Đà Nẵng: Đảm bảo mọi quyền lợi, không được gây phiền hà cho Nhân dân khi sắp xếp huyện, xã

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình

Quảng Ninh ban hành nhiều chính sách đưa sản xuất công nghiệp 'vượt khó'