Làng Tuấn Dị có khoảng 500 hộ dân thì có khoảng 300 hộ làm nghề trồng lá dong, với tổng diện tích gần 6 ha. Ngôi làng được biết đến là một trong những vùng trồng lá dong lớn ở miền Bắc. Những vườn lá dong xanh bạt ngàn đã gắn bó với người dân nơi đây hàng chục năm nay.
Những ngày này, khắp đường làng ngõ xóm, chỗ nào cũng rợp màu xanh của lá dong |
Nghề trồng lá dong là nghề truyền thống, mang về nguồn thu nhập chính của người dân Tuấn Dị. Lá dong ở đây chủ yếu là lá dong nếp, lá dài và rộng với màu xanh ngắt bắt mắt. Bánh được gói bằng loại lá này, khi luộc chín, có màu xanh và ngấm mùi thơm tự nhiên của lá.
Những vườn lá dong bạt ngàn, cao hơn đầu người |
Ông Khương Xuân Vinh- người dân làng Tuấn Dị chia sẻ:“Cây lá dong không mất quá nhiều công chăm sóc, nhưng đòi hỏi người trồng phải thường xuyên dọn sạch lá gốc cho cây ra nhiều mầm, lá xanh, to, đều, đẹp” |
Cây lá dong cho thu hoạch quanh năm, những ngày bình thường một hộ dân thu hoạch được khoảng 1 vạn lá/ngày, nhưng vào mùa cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán thì số lượng lá tăng lên khoảng 5-6 vạn lá/ngày. Mùa cao điểm của lá dong thường bắt đầu từ ngày 15/12 (âm lịch). Dịp này, người trồng lá dong bắt đầu hối hả thu hoạch để phục vụ cho thương lái các tỉnh khu vực phía Bắc tới thu mua.
Lá dong sau khi thu hoạch sẽ được phân loại và xếp thành từng bó |
Những bó lá dong quê theo những chuyến xe xuôi ngược được tỏa đi khắp mọi nơi, đem hương xuân tới mọi nhà |
Đặc biệt, lá dong Tuấn Dị không những nổi tiếng trong nước mà còn được biết tới ở nước ngoài.
Theo ông Vinh, lá dong “xuất ngoại” chủ yếu được đưa sang những nước như Nga, Đức và một số nước Đông Âu phục vụ bà con Việt kiều gói bánh Tết, với hàng vạn lá mỗi vụ.
Lá dong "xuất ngoại" được tuyển chọn kỹ càng từ trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, để kịp gửi tới tay những người con xa xứ đón Tết cổ truyền của quê hương./.