Sáng nay (3/8), tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010-2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.
Hơn 330 nghìn tỷ đồng cho Chương trình
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015); có 7/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao gồm: Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên). Cả vùng đã có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Lan tỏa sâu rộng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi phía Bắc |
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc từ 2011-2019 đạt 330,261 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 15,6% so với cả nước. Sau 10 năm thực hiện Chương trình, toàn vùng đã xây dựng được trên 28.000 km đường giao thông nông thôn. Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất tiếp tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ 100% số xã khu vực miền núi phía Bắc, 94,51% số thôn, bản khu vực miền núi phía Bắc có điện đã góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân khu vực miền núi phía Bắc.
Theo số liệu điều tra của Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho thấy, có trên 56% người dân thuộc các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc hài lòng với Chương trình và chỉ có khoảng 14% không hài lòng với Chương trình. Nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của các địa phương khu vực miền núi phía Bắc.
Cần giảm khoảng cách phát triển giữa giữa miền núi và miền xuôi
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng ở nhiều địa phương tại khu vực miền núi phía Bắc việc triển khai xây dựng nông thôn mới còn khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Do đó, nhìn chung kết quả xây dựng nông thôn mới còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách so với các vùng, miền của cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện tỷ lệ hộ nghèo của vùng còn cao nhất cả nước với 17%, trong khi hộ nghèo ở khu vực nông thôn cả nước nói chung là 8%, thu nhập bình quân chỉ đạt 28 triệu đồng/người/năm trong khi bình quân cả nước là 37 triệu. Ít doanh nghiệp đầu tư vào vùng này.
Tại Hội nghị, nhiều địa phương cho biết, nhu cầu xây dựng nông thôn mới của các tỉnh miền núi phía Bắc là rất lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nhưng khả năng huy động nguồn lực còn rất hạn chế. Vấn đề nhân rộng các cách làm hay, mô hình sản xuất tốt phù hợp với vùng, cũng như việc tìm giải pháp để giảm khoảng cách phát triển giữa giữa miền núi và miền xuôi đang có biểu hiện “doãng” ra cũng được các đại biểu thảo luận.
Ông Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên- chia sẻ, là tỉnh miền núi, đây cũng là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhất là mưa lũ. Dù có nhiều nỗ lực, nhưng việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đang tồn tại nhiều bất cập, khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người tại Điện Biên còn thấp, khoảng 17 triệu đồng/người/năm. Ông Lò Văn Tiến kiến nghị, Bộ NN&PTNT quan tâm giúp đỡ trong việc giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời xây dựng 1 - 2 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, cấp tỉnh có ít nhất 1 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 100% các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới,…. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, hiện nay, hợp tác xã nông nghiệp của các tỉnh phía miền núi phía Bắc đang có xu hướng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, thể hiện được vai trò HTX trong tổ chức lại sản xuất thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đồng ý chủ trương giao Bộ chủ trì, xây dựng Đề án riêng về hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp khu vực miền núi phía Bắc trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất mức phân bổ cụ thể nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đảm bảo bố trí đủ cho các địa phương khó khăn (không quy định theo hệ số phân bổ như hiện nay). Trong đó, nguồn vốn cần ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các thôn, bản xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ một số nội dung trọng tâm để thúc đẩy phát triển, nâng cao thu nhập, đặc biệt là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, miền núi phía Bắc là vùng khó khăn, nhưng những kết quả đạt được rất đáng hoan nghênh. Kết quả này sẽ tạo sự lan tỏa ra nhiều khu vực khác, đặc biệt các thôn, bản vùng sâu, xa.
Từ thực tiễn 10 năm triển khai Chương trình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần đánh giá lại các cơ chế, chính sách, tồn tại bất cập để tìm cách tháo gỡ vướng. Theo đó, việc xây dựng nông thôn mới phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu. Người dân phải là chủ thể của việc xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cần đánh giá, kiện toàn lại bộ máy xây dựng nông thôn mới các cấp để hoàn thiện, hiệu quả hơn.
Bên lề Hội nghị Ban tổ chức đã bố trí các gian hàng của các tỉnh miền núi phía Bắc trưng bày nông, đặc sản trong chuỗi sản phẩm OCOP của các tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thăm quan gian hàng OCOP |
Gian hàng trưng bày nông, đặc sản trong chuỗi sản phẩm OCOP của tỉnh biên giới Lào Cai |
Sản phẩm na Chi Lăng (Lạng Sơn). Đây là giống na trồng chủ yếu trên núi đá cao, được đánh giá có chất lượng, mẫu mã đẹp |
Sản phẩm cá Sông Đà của tỉnh Hòa Bình. |
Gian hàng trưng bày nông, đặc sản trong chuỗi sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình |