Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam mong kéo dài thời gian giảm thuế, phí Hội An: Xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc lá |
Quảng Nam trong dòng chảy văn hóa dân tộc
Trong tiến trình phát triển của dân tộc, Quảng Nam là vùng đất được lịch sử ghi nhận trên con đường khai mở về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt. Xứ Quảng có truyền thống văn hóa lâu đời, là trầm tích lắng đọng qua bao thăng trầm lịch sử từ thời văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa đến Đại Việt.
Văn hóa Quảng Nam được hình thành trong tổng thể vùng văn hóa miền Trung, là nơi giao hòa của những sắc thái văn hóa giữa hai miền và giao lưu văn hóa với bên ngoài, điều này góp phần làm cho Quảng Nam giàu truyền thống và độc đáo về bản sắc văn hóa.
Văn hóa Quảng Nam rất đa dạng nhờ sự giao lưu, tiếp biến từ những thế kỷ trước. |
Trải dài từ khối núi Ngọc Linh đến Cửa Đại, sông Thu Bồn chứa đựng nhiều câu chuyện văn hóa thú vị của các tộc người Xơ Đăng, Ca dong, Cor (Nam Trà My và Bắc Trà My), tiêu biểu là Nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu trong Lễ hội Ăn trâu của người Cor đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Với nhiều di sản văn hóa thế giới vật thể, phi vật thể như: Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Nghệ thuật Bài chòi. Nhiều lễ hội, nghệ thuật đặc sắc giữ gìn được những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc như: Múa hát bá trạo, lễ hội cầu ngư, nghệ thuật hát bội... đã được Nhân dân Quảng Nam bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.
Bên cạnh đó, Quảng Nam có trên 260 di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, trong đó có 15 di tích xếp hạng quốc gia minh chứng cho truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của người xứ Quảng trong lịch sử giữ nước, dựng nước của dân tộc.
Giá trị văn hóa của Quảng Nam không chỉ tỏa sáng từ những công trình kiến trúc cổ mà còn được tạo nên bởi những sắc màu văn hóa độc đáo ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội của các dân tộc sinh sống trên quê hương nặng nghĩa tình này. Đây chính là tài sản vô giá, là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Quảng Nam.
Phố cổ Hội An hiện là điểm đến hấp dẫn được du khách yêu thích. |
Cần phát huy, bảo tồn những giá trị bản địa
Trong quá trình toàn cầu hoá và sự bùng nổ của Internet, các giá trị bản địa của Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung đã và đang phát triển và khẳng định hơn vị thế của mình trên trường quốc tế. Điều đó đã mở ra cơ hội cho người trẻ nâng cao tầm nhìn, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho công tác giữ vững những giá trị bản địa trước nguy cơ bị “đồng hóa”. Nhiệm vụ gìn giữ giá trị bản địa có trách nhiệm rất lớn của thế hệ trẻ, những người được thụ hưởng nhiều giá trị của văn hóa, đồng thời là những người có khả năng sáng tạo lớn nhất, tiềm năng nhất, đông đảo nhất tạo ra những sản phẩm văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch.
Phát triển du lịch di sản góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Điều này cũng giúp cho việc quản lý di sản một cách tốt hơn, nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ di sản không chỉ cho người dân mà cho cả các cơ quan quản lý nhà nước, việc bảo vệ di sản là điều kiện tất yếu để phát triển du lịch, phát triển kinh tế từ di sản sẽ tạo điều kiện quay lại tái đầu tư, tu bổ cho các công trình di tích nhằm đem lại nguồn thu lớn.
Mới đây, Câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa (trực thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Giá trị bản địa với du lịch Quảng Nam” với sự tham dự của hơn 70 người là các bạn trẻ đang làm việc trong ngành du lịch và các khách mời là Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự; Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Hồ Xuân Tịnh; Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Nguyễn Đức Minh.
Với Quảng Nam, văn hóa bản địa là một trong những tài nguyên quý để phát triển du lịch |
Trong thời gian gần 4 tiếng, các khách mời đã cùng chia sẻ xoay quanh 3 chủ đề: “Trầm tích văn hóa trên đôi bờ sông Thu Bồn”, “Văn hóa tâm linh Hội An và Cù Lao Chàm”, “Hội An nhân tình thuần hậu”, với mục đích giúp các bạn trẻ có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về các giá trị văn hóa đặc trưng Quảng Nam, từ đó tìm hiểu tường tận để có cách lồng ghép các giá trị bản địa vào sản phẩm, dịch vụ của mình.
Qua buổi trò chuyện, ban tổ chức mong muốn, sự thành công khi gìn giữ, lan toả những giá trị bản địa, gắn với phát triển du lịch, đặc biệt trong bối cảnh giao lưu văn hóa mạnh mẽ hiện nay không chỉ là giữ những nét riêng có tạo nên sự hấp dẫn của điểm đến du lịch, mà còn giúp gìn giữ chỗ dựa tinh thần, mạch nguồn văn hóa cho các thế hệ tương lai.