Thứ bảy 28/12/2024 00:12

Lần đầu tiên Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp ngành gỗ

Vào ngày 8/8/2018, tại Dinh Thống Nhất, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Chính phủ sẽ lắng nghe và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), đây là lần đầu tiên Chính phủ trực tiếp lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp (DN) trong ngành. Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích lớn cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ Việt trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về tầm nhìn của ngành gỗ trong thời gian tới

Mục tiêu 9 tỷ USD năm 2018 trong tầm tay

Thông tin tới báo giới trước thềm hội nghị, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch HAWA - cho biết, với lợi thế nguyên liệu rừng trồng, con người, kinh nghiệm lẫn chính sách, chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đã từng bước viết lên những kỷ lục của riêng mình, kiến tạo nên hình ảnh ấn tượng về sự phát triển của DN gắn liền với khái niệm bền vững, phát triển phải đi liền với công cuộc bảo vệ môi trường.

Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, doanh thu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam đã đạt 5,025 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (tương đương 55,83% kế hoạch năm) và chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Các DN chế biến gỗ đều thông báo những tín hiệu vui, đơn hàng đã kín từ nay đến hết năm 2018 khiến cộng đồng càng vững tin, mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm nay hoàn toàn trong tầm tay, thậm chí là vượt xa.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam ngày càng đáp ứng yêu cầu cao từ nhà nhập khẩu

Tầm nhìn mới cho phát triển ngành chế biến gỗ Việt

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 880/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, gồm 10 ngành công nghiệp, trong đó có chế biến gỗ.

Đến nay, quyết định này đã có những tác động tích cực đến sự phát triển chung của ngành. Cụ thể, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ đang là một ngành công nghiệp có sự tăng trưởng cao với mức bình quân từ 8-15%/năm. Hiện rất nhiều DN trong ngành đã trang bị máy móc hiện đại và công nghệ 4.0; đồng thời đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nguyên liệu bằng việc trồng rừng nhằm hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ thứ 2 thế giới với mục tiêu đạt kim ngạch 20 tỷ USD vào năm 2025.

Mặc dù vậy, ông Hạnh cho rằng, để hiện thực hóa tầm nhìn trên của Chính phủ, ngành gỗ cần kiến nghị về việc lập và thực hiện chương trình quốc gia về phát triển nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng trong nước. Mục tiêu là vào năm 2025, tối thiểu phải đáp ứng được 80% tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến. Song song với phát triển nguyên liệu rừng trồng, ngành cũng cần tăng dần khối lượng gỗ có chứng chỉ quốc tế đáp ứng nhu cầu thị trường. Về phía DN, để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung, cần liên kết với chủ rừng và các thành phần kinh tế vào chuỗi giá trị ngành gỗ quốc gia và toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) - cho biết, việc DN liên kết với địa phương và lâm dân để trồng rừng đã có những tín hiệu rất tích cực, không chỉ với riêng ngành công nghiệp chế biến gỗ. Thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế về môi trường đều quan sát, tài trợ rất nhiều cho các dự án trồng rừng, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học cho các vùng. Theo đó, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 732 DN có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó 49 DN được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững (FSC/FM) với tổng diện tích 226.500ha. Điều này chứng tỏ, chiến lược đầu tư trồng rừng nguyên liệu đang là giải pháp giúp ngành phát triển bền vững, tạo uy tín với cộng đồng thế giới cho đất nước.

“Trong cơ chế vận động của kinh tế toàn cầu, dẫu có nhiều lợi thế, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu vẫn đang cần một chiến lược toàn diện để phát triển nhanh hơn nữa. Để làm được điều này, ngành gỗ và xuất khẩu lâm sản đang rất cần các cơ quan ban ngành cùng đồng thuận, tạo thêm nhiều cơ chế, chính sách cũng như đồng hành để kịp thời điều tiết. Chính vì thế chúng tôi kỳ vọng Hội nghị của Chính phủ về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu vào ngày 8/8 tới sẽ tạo cú hích cho ngành phát triển hơn”, ông Khanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA: Mục đích của Hội nghị Chính phủ đối thoại với DN ngành gỗ là hướng tới tương lai chứ không phải đề cập đến khó khăn. Quan trọng là quyết sách của Chính phủ để tạo "cú hích" cho ngành gỗ phát triển nhanh và bền vững... Giải pháp mà DN kiến nghị Chính phủ là có chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt là xúc tiến thương mại...
Minh Long - Mai Ca

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

Thời điểm 'hội tụ' để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng: Không 'đẽo cày giữa đường' khi làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương tái cơ cấu, tạo 'sức sống mới' cho ngân hàng VDB

Thủ tướng: Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp nhà nước sử dụng không đúng mục đích

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ các nước trình quốc thư

Bộ Công an: Gương mẫu đi đầu, tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an các cấp

Chủ tịch nước: Quán triệt nghiêm Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Bảo đảm an ninh trật tự, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80

Thủ tướng: Thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đồng chủ trì Phiên họp rà soát các hoạt động trong khuôn khổ AZEC

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

Bộ Nội vụ Campuchia mong Việt Nam tăng cường hỗ trợ ngành cơ yếu

Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là giải pháp thiết thực

Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, thúc đẩy đàm phán FTA/CEPA với Qatar và Saudi Arabia

Phát triển khoa học - công nghệ: Đột phá quan trọng để Việt Nam giàu mạnh

Kéo dài thời điểm thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Đại sứ Australia khẳng định tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế dứt điểm việc chậm cấp đăng ký lưu hành thuốc