CôngThương - Cơ chế “tiền đăng, hậu kiểm” tức là cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) chấp nhận những thông tin do chủ doanh nghiệp, những người tham gia góp vốn kê khai khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực, chính xác của những thông tin đó. Cơ quan ĐKKD chỉ xem xét và chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận ĐKKD; không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ khác không quy định tại Luật Doanh nghiệp. Việc xác định sự trung thực, chính xác của những thông tin đã khai khi đăng ký thành lập doanh nghiệp được thực hiện bởi cơ chế hậu kiểm, tức là kiểm tra sau đăng ký thành lập doanh nghiệp. Quy định này đã giúp các doanh nghiệp rút ngắn đáng kể thời gian cho việc thành lập doanh nghiệp, nhanh chóng gia nhập thị trường, không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh và ngăn chặn tình trạng sách nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong lĩnh vực ĐKKD.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 1999, năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không có bất kỳ quy định nào về hậu kiểm. Do đó, nhiều câu hỏi quan trọng về hậu kiểm chưa có câu trả lời như: Hậu kiểm là kiểm tra những gì? Khi nào thực hiện? Cơ quan nào chịu trách nhiệm? Việc xử lý những vi phạm trong đăng ký doanh nghiệp được phát hiện khi hậu kiểm như thế nào?
Không ít ý kiến đã đề nghị cần siết chặt lại việc đăng ký doanh nghiệp, tức là quay lại cơ chế “tiền kiểm” như trước đây. |
Điều 164 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Việc kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật”. Nhưng Luật Thanh tra không có quy định riêng về hậu kiểm đối với việc đăng ký doanh nghiệp. Vì vậy, công tác kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập đã rơi vào tình trạng “tiền buông, hậu cũng buông”. Từ kẽ hở đó, hàng loạt vi phạm của không ít doanh nghiệp xảy ra như: Đăng ký “vốn ảo”; đăng ký địa chỉ trụ sở không đúng với nơi thực tế hoạt động; thành viên góp vốn và quản lý doanh nghiệp vi phạm quy định về cấm trong luật doanh nghiệp; hoạt động kinh doanh khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật...
Để khắc phục khoảng trống pháp lý đó, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần có quy định rõ hơn, có thể cần có một số điều quy định về hậu kiểm với những nội dung cơ bản sau:
Sau một năm kể từ ngày cấp đăng ký doanh nghiệp, việc hậu kiểm đối với doanh nghiệp phải được thực hiện. Vì khi đó, doanh nghiệp đã thực sự đi vào hoạt động và những vi phạm (nếu có) chưa gây hậu quả lớn, việc hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục có những thuận lợi.
Nội dung của hậu kiểm gồm kiểm tra, xác nhận tính trung thực của các thông tin trong tờ khai đăng ký doanh nghiệp như: Thành viên góp vốn hoặc cổ đông sáng lập; địa chỉ trụ sở doanh nghiệp; việc góp vốn điều lệ; việc đáp ứng những quy định về điều kiện kinh doanh (với những ngành nghề đòi hỏi điều kiện kinh doanh); điều lệ công ty; sổ đăng ký thành viên góp vốn hoặc sổ đăng ký cổ đông; giấy chứng nhận phần vốn góp... Đồng thời, có thể kiểm tra doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký thuế, ký hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội...
Cơ quan ĐKKD chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức hậu kiểm. Song, để tránh chồng chéo trong công tác kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp và ngăn chặn hành vi sách nhiễu, tham nhũng trong hậu kiểm, cần quy định việc hậu kiểm được thực hiện bởi thanh tra liên ngành, gồm đại diện các sở, ngành cấp tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thành lập.
Với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật, cần quy định lần hậu kiểm đầu tiên đối với doanh nghiệp sau khi thành lập sẽ không xử phạt vi phạm, trừ trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tăng cường công tác hậu kiểm không kém phần quan trọng để chúng ta có một cộng đồng doanh nghiệp mạnh và bền vững.