Chủ nhật 22/12/2024 14:15

Lạm phát không quá lo, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Những khó khăn, thách thức từ bối cảnh quốc tế cũng như hạn chế nội tại đang trở thành những rào cản lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam năm 2024. Do đó, cần tiếp tục củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời phát huy và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới để phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.

Phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia về vấn đề này.

Kinh tế phục hồi rõ nét

Phóng viên: Nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm vượt khó rất ấn tượng, ông đánh giá thế nào về những kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đạt được trong năm 2023?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, bất định, tình hình trong nước có nhiều thách thức hơn thời cơ, kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn đạt được 8 điểm sáng đáng ghi nhận.

Một là, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được ban hành. Cụ thể, về chính sách tài khóa, Quốc hội, Chính phủ ban hành chính sách về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí năm 2023 với tổng quy mô khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng, tương đương ngân sách Nhà nước giảm thu khoảng 82 nghìn tỷ đồng; tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2024 và tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu năm 2024 ...

Với chính sách tiền tệ, ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành (từ 0,5-1,5%) nhằm giảm lãi suất huy động vốn và cho vay, tăng khả năng tiếp cận và cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn. (Ảnh: NG.HẢI)

Nhiều chính sách tháo gỡ nút thắt đối với lĩnh vực y tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, bất động sản… cũng đã được ban hành. Việc hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thúc đẩy như Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, góp phần tạo điều kiện các thị trường đất đai, bất động sản, tài chính phát triển an toàn, bền vững.

Hai là, kinh tế dần phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và cả năm đạt mức khá so với các nước trong khu vực và thế giới. Tăng trưởng của quý sau cao hơn quý trước (4 quý lần lượt tăng 3,28%, 5,6%, 5,92%, và 6,72%) và cả năm 2023 tăng 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra là 6-6,5% song đây là mức tăng cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (2,9%) và mức bình quân của khu vực ASEAN (4,3%), tương đương mức tăng trưởng của Trung Quốc.

Đặc biệt khối doanh nghiệp dù còn khó khăn nhưng cũng đang nỗ lực vượt qua và có tín hiệu phục hồi. Hết quý 1/2023, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường còn ít hơn lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhưng đến hết năm đã gấp 1,3 lần.

Các động lực tăng trưởng truyền thống có dấu hiệu phục hồi: Sản xuất công nghiệp phục hồi từ mức âm -8% đầu năm lên mức +3% cuối năm. Xuất khẩu phục hồi dần (từ mức âm -26% đầu năm lên mức âm -4,4% cuối năm). Đầu tư công đạt kỷ lục, tăng 21,2%; thu hút FDI mới tăng 32%, giải ngân FDI tăng 3,5% so cùng kỳ. Du lịch phục hồi khá tốt và nông nghiệp vượt khó ấn tượng với mức tăng 3,83%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, đóng góp 10,8% trong mức tăng trưởng chung).

Ba là, lạm phát được kiểm soát ở mức khá thấp: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, thấp hơn mục tiêu đề ra (4-4,5%). Lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm trước, thấp hơn mức 4,99% năm 2022 và giảm từ mức trên 5% hồi đầu năm 2023 cho thấy lạm phát trong xu hướng giảm khá bền vững.

Bốn là, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc, vốn giải ngân lập kỷ lục với tổng vốn đăng ký mới ước đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%, giải ngân vốn FDI năm đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% và là mức kỷ lục mới trong vòng bảy năm cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư về chính trị ổn định và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Năm là, giải ngân đầu tư công tăng trưởng khá: Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 625,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm trước (cao hơn mức tăng 18,8% năm 2022, chỉ thấp hơn mức tăng 33,6% của năm 2020) và đạt 85,3% kế hoạch năm, đến hết tháng 1/2024 có thể đạt 95% mức Thủ tướng giao.

Sáu là, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2%, tỷ giá cơ bản ổn định.

Bảy là, xu hướng xanh hóa, số hóa, chuyển đổi năng lượng… được quan tâm thúc đẩy.

Tám là, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng; vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng cao với hàng loạt chuyến thăm cấp cao và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với với Hoa Kỳ và Nhật Bản, nâng tầm và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với Trung Quốc cùng với việc hoàn thành tốt nhiều vai trò quan trọng tại Liên hợp quốc, ASEAN.

Những nỗ lực nêu trên của Việt Nam được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Các tổ chức quốc tế dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng 5% năm 2023 và 5,5-6% năm 2024. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (12/2023) đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định", do đánh giá cao về ổn định tài khóa, triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn.

Phóng viên: Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023 là niềm tin kinh doanh đã dần được khôi phục. Tất nhiên số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn còn tăng cao, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh chưa vơi bớt khó khăn nhưng điều quan trọng là số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường đã tăng nhanh, đặc biệt là về cuối năm. Theo ông, doanh nghiệp có thể đón bắt cơ hội đầu tư kinh doanh 2024 đang được mở ra như thế nào?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Theo đánh giá của chúng tôi, năm 2024 sẽ tiếp tục có những triển vọng tích cực đang được duy trì theo đà từ năm 2023.

Trước hết về thể chế, các luật qun trọng đã được Quốc hội thông qua sẽ tạo nền tảng cho các thị trường liên quan đến đất đai, xây dựng bất động sản. tài chính ngân hàng… phát triển an toàn hơn, lành mạnh hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách ban hành trong năm 2023 tiếp tục được thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất tiếp tục giảm VAT, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, tiếp tục giảm một số thuế và phí khác với mức gần tương đương với năm 2023.

Chính sách tiền tệ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, để doanh nghiệp và người dân an toàn hơn về mặt tài chính và có động lực để đầu tư và phát triển.

Năm 2023 chúng ta làm rất tốt công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế với các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mới và đặc biệt là nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác chiến lược quan trọng, giúp Việt Nam đạt kỷ lục về vốn FDI đăng ký và giải ngân cũng tăng trưởng tích cực trong bối cảnh FDI toàn cầu giảm 2%. Quan trọng hơn, chúng tôi thấy đâu đó đã manh nha có làn sóng FDI lần thứ 4 vào Việt Nam.

Ngoài ra, kinh tế số, kinh tế xanh đã có chuyển đổi tích cực. Chúng tôi cũng hy vọng những khó khăn vướng mắc, những rào cản và tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm sẽ được loại bỏ. Tinh thần dám nghĩ dám làm sẽ tốt hơn, tích cực hơn vì đã có Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Phóng viên: Trong bối cảnh các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước tỏ ra khá thận trọng khi dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024, các kịch bản dự báo tăng trưởng của Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV lại khá lạc quan. Ông có thể chia sẻ về cơ sở để đưa ra các mức dự báo lạc quan đó?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Kinh tế thế giới được dự báo sẽ ít cải thiện (đi ngang hoặc giảm nhẹ) so với năm 2023 khi những khó khăn, thách thức vẫn hiện hữu. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD... đều hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 xuống thấp hơn so với năm 2023, tăng khoảng 2,4-2,9%. Điểm tích cực là lãi suất sẽ giảm khi lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (xuống mức khoảng 3,5% từ mức 5,5% năm 2023), qua đó sẽ kích thích đầu tư và tiêu dùng tăng dần trở lại.

Đối với Việt Nam năm 2024, kinh tế vĩ mô trong nước dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Những thuận lợi, tích cực chính tiếp tục kéo dài từ năm 2023 sang.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có hai vấn đề lớn nhất là tác động tiêu cực từ bên ngoài (nhất là đà tăng trưởng chậm lại của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc) và tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ có thể vẫn diễn ra nếu những cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ, không hình sự hóa quan hệ kinh tế chưa được luật hóa, cụ thể hóa.

Trong bối cảnh quốc tế và nội tại như nêu trên, với đà phục hồi và nỗ lực, quyết liệt hơn nữa của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, dự báo kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023, ở mức 6-6,5%.

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 sẽ ở mức 3,5-4%, cao hơn năm 2023 do đà giảm giá hàng hóa thế giới chững lại hoặc thậm chí tăng trở lại so với năm 2023 (nhất là giá năng lượng, lương thực thực phẩm và nguyên vật liệu cơ bản do dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng địa chính trị còn phức tạp, khó lường);

Bên cạnh đó, việc tiếp tục điều chỉnh các mặt hàng do nhà nước quản lý như tăng lương tối thiểu vùng, tăng giá điện, học phí, viện phí…; cung tiền và vòng quay tiền tăng cao hơn năm 2023 một phần là do đà phục hồi kinh tế và tín dụng dự báo tăng cao hơn…cũng là yếu tố tác động đến lạm phát.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể tranh thủ kích thích tăng trưởng mà không quá lo vì lạm phát có thể được kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra.

Kịch bản cơ sở: Tiếp nối đà phục hồi nửa cuối năm 2023, sự gia tăng hiệu quả của các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng kết hợp với khả năng phát huy các động lực tăng trưởng mới gồm khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tư nhân, tăng năng suất, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và liên kết vùng.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6-6,5%. Theo hướng cầu, tăng trưởng của các động lực tăng trưởng chính khoảng 5-10%, trong đó xuất khẩu tăng 5-7%, giải ngân FDI tăng 8-10%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 7,5-8%.

Theo hướng cung, tăng trưởng của các lĩnh vực kinh tế duy trì ít nhất tương đương hoặc cao hơn năm 2023, trong đó nông lâm thủy sản tăng 3,2-3,5%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,2-5,5%, khu vực dịch vụ tăng 7-7,2%.

Kịch bản tích cực: Trong điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi hơn, các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và kiểm soát tốt; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy tốt hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố...; tăng trưởng GDP có thể cao hơn 0,5-1 điểm % so với kịch bản cơ sở, đạt 6,5-7%.

Kịch bản tiêu cực: Nếu các rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm , xung đột địa chính trị leo thang, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế của Việt Nam, trong khi các động lực tăng trưởng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 chỉ đạt khoảng 5-5,5%.

Dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024

Phóng viên: Để nền kinh tế có thể tăng tốc phục hồi và phát triển bền vững, cần ưu tiên triển khai các giải pháp gì, thưa ông?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Năm 2024 sẽ là năm bản lề quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện hoàn thành các mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025. Để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 đã được Quốc hội giao, Nhóm Nghiên cứu có 5 kiến nghị chính:

Một là, tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp (kể cả kịch bản tiêu cực, diễn biến xấu).

Nhất quán thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết 02/NQ/CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hai là, chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các FTAs đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây; thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa.

Cùng với đó, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cần kích thích kinh tế tư nhân;

Quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế (nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng-các đầu tàu kinh tế chiếm 32% GDP cả nước năm 2023), qua đó thúc đẩy liên kết vùng…

Ba là, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách kinh tế, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác nhằm bình ổn tỷ giá, lãi suất và thị trường tài chính tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, tiếp tục phương châm chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ chủ động, nới lỏng thận trọng, linh hoạt; quan tâm hơn đến rủi ro hệ thống tài chính và liên thông thị trường tài chính, bất động sản.

Bốn là, quyết liệt đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, dự án yếu kém, các tổ chức tín dụng yếu kém nhằm góp phần huy động và phân bổ nguồn lực hiệu lực hơn, giảm mạnh chi phí vận hành, duy trì tốn kém. Cùng với đó, chất lượng và hiệu quả đầu tư công cần được chú trọng.

Năm là, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, trong đó tập trung nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp trong tăng trưởng chung. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập Ủy ban năng suất quốc gia để thúc đẩy năng suất lao động.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn như nêu trên; xây dựng chiến lược và giải pháp tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo nhandan.vn
Bài viết cùng chủ đề: Phát triển kinh tế

Tin cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Cải tiến quá trình sản xuất - yếu tố ''sống còn'' với cộng đồng doanh nghiệp

Dự báo thời tiết biển hôm nay 21/12/2024: Xuất hiện một vùng áp thấp ở phía nam biển Đông

Nhân sự 20/12: Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 trao quyết định về công tác cán bộ

Dự báo thời tiết hôm nay 21/12/2024: Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng ấm

Trao giải Cuộc thi viết “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ 2

“Nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất”- hành động đẹp cần được lan tỏa

Hà Nội: Làm rõ vụ 2 người tử vong, 14 người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Hơn 10 tỷ đồng đến với người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi trong tháng 12

Cục Cảnh sát giao thông hướng dẫn trình tự 8 bước đăng ký xe nhập khẩu qua VneID

Bộ Y tế thông tin mới nhất về 'số phận' Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2

Trao Giải báo chí về xây dựng Đảng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Giảm hơn 16.000 biên chế công chức, viên chức tính đến hết tháng 10/2024