Làm đường sắt tốc độ cao, đại biểu đề nghị huy động sức dân
Chiều nay (20/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Đề nghị huy động sức dân
Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh đây là dự án lớn nhất trong lịch sử với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD (1,7 triệu tỷ đồng) gần bằng tổng thu ngân sách trong một năm.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông (Ảnh: QH) |
Theo đại biểu Mai, mặc dù trong tờ trình của Chính phủ cho biết các số liệu về ngân sách khi thực hiện dự án là đảm bảo an toàn. Nhưng xuất phát từ thực trạng về những tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan của các dự án đầu tư công hiện nay, đại biểu này đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối đáp ứng nhu cầu vốn của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Từ đó, đánh giá khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế, ảnh hưởng đến an toàn nợ công, bội chi ngân sách, nợ nước ngoài…
Đại biểu Mai chia sẻ, chi ngân sách có nhiều khoản phải chi. Ngoài chi đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên, chi hàng năm theo kế hoạch trung hạn, chi theo các chương trình đề án.
Ví dụ ngoài dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong lĩnh vực đường sắt theo kế hoạch sẽ đầu tư một số tuyến kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không quốc tế, tuyến đường sắt đô thị… Đại biểu Mai cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ riêng 4 tuyến đường khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, Lào thì tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 27 tỷ USD.
Bên cạnh đó là nhiều chương trình, dự án cần nguồn vốn hàng tỷ USD, như phấn đấu hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến năm 2030, 10.000 km vào năm 2045 hay các giai đoạn tiếp theo của sân bay Long Thành, các chương trình mục tiêu quốc gia…
Liên quan đến thu hút đầu tư, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Điều này vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, vừa để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nước ngoài, nội địa hóa mức tối đa, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài.
Đại biểu cho rằng, dự án thực hiện đầu tư công 100% nhưng không có nghĩa là Nhà nước thực hiện tất cả công việc. Nhà nước đặt hàng các nhà đầu tư tư nhân có năng lực trong những ngành nghề có liên quan.
Ngoài ra nên thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào làm đầu tư xây dựng nhà ga, các dịch vụ hỗ trợ khác vì họ làm rất tốt. Điều này đã thực hiện trong lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy.
Trong nguồn lực huy động đầu tư cho dự án, đại biểu đề nghị phải tính đến việc huy động sức dân vì nguồn lực trong dân là rất lớn. Nếu phát hành trái phiếu với một lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua. Ngân sách chưa đủ thì đi vay nhưng vay trong dân thì tốt hơn vay nước ngoài vì lợi nhuận người dân sẽ hưởng. Điều quan trọng hơn cũng nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào các công trình quốc gia.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam (Ảnh: QH) |
Cũng nói về khả năng cân đối nguồn vốn, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết dự án đang đặt trong tổng thể mục tiêu đến 2030 để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Với 6 năm còn lại thì khả năng cân đối nguồn vốn để vừa phát triển kinh tế - xã hội, các công trình dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia là một bài toán khó.
Đại biểu cũng nhấn mạnh cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị hạn chế nguồn ODA trong triển khai dự án. Đại biểu cho rằng, nguồn vốn trong dân hiện còn rất lớn, do vậy đại biểu đề nghị nên huy động nguồn vốn trong dân để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao.
Cần đồng bộ trong quy hoạch, đảm bảo tiến độ dự án
Phát biểu ở hội trường về Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, pháp lý và những lý do được nêu tại tờ trình của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương (Ảnh: QH) |
Tuy nhiên, từ thực tiễn một số dự án quan trọng của quốc gia sau khi được Quốc hội thông qua đã phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến phải xin điều chỉnh chủ trương, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ cần quan tâm, xem xét 8 vấn đề của dự án này để bảo đảm tính khả thi.
Trong đó, sự đồng bộ trong quy hoạch, nhất là quy hoạch rừng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch mạng lưới giao thông, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phân bổ, khoanh vùng đất đai cho dự án tại các quy hoạch tỉnh có dự án đi qua phải bảo đảm kết nối đồng bộ để việc gom và giải tỏa hàng hóa được thuận lợi, phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí.
Lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải bảo đảm tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Về hướng tuyến, báo cáo đã có sự thống nhất của 20 tỉnh thành và đã rút ngắn được 4 km so với quy hoạch được duyệt. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị bổ sung các phương án so sánh để bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể nhưng đồng thời cũng tránh đi qua phần lớn diện tích rừng, lúa và bảo đảm tính kết nối giữa tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt trong khu vực, quốc tế và hệ thống giao thông khác.
Về các nhà ga, theo hồ sơ dự án ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị trong khi các vị trí ga cần được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị làm rõ lý do chọn vị trí các ga của dự án, nhất là tính kết nối giữa các phương tiện và đánh giá kỹ lưỡng.
Đại biểu cũng chỉ ra tổng mức đầu tư gắn với hiệu quả dự án, hồ sơ dự án chưa áp giá đền bù, hỗ trợ tái định cư theo Luật Đất đai mới, chưa tính toán thời điểm, nguồn lực để nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có để phục vụ vận tải hàng hóa.
Để bảo đảm tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng cần huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước.
"Đây là dự án khó, mới, chưa từng có tiền lệ. Vì vậy cần đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lượng cao nhất", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu quan điểm.