Thứ ba 05/11/2024 12:26

Làm "be" vì lòng tự tôn dân tộc

Âm thầm khởi sự từ nửa đầu năm và chính thức ra mắt thị trường vào cuối năm 2018, “be” - ứng dụng gọi xe công nghệ 100% Việt Nam đang có những bước đi khá… lạ. Phóng viên báo Công Thương đã trò chuyện với CEO Trần Thanh Hải, cũng là đồng sáng lập đang viết câu chuyện của “be” hôm nay.

Từng là đồng sáng lập ra thương hiệu VinaGame (VNG) đình đám, nay cơ duyên nào khiến anh quyết định khởi nghiệp với ứng dụng gọi xe công nghệ “be”?

Quả thật, kể từ khi có ý tưởng cho đến lúc “be” chào đời là cực kỳ nhanh chóng. Tôi nghĩ có lẽ do hội tụ đủ cả 3 yếu tố: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.

Cảm hứng đến từ Go-Jek (mô hình khởi nghiệp của Indonesia) bởi nhìn thấy niềm tự hào dân tộc cực kỳ lớn từ ông chủ của thương hiệu này vốn là con nhà binh và gia đình có truyền thống yêu nước, khi tạo ra việc làm cho tầng lớp xe ôm đông đảo ở Indonesia. 70% các tài xế được phỏng vấn tại Indonesia trả lời, họ lái cho Go-Jek vì đó là công ty của Indonesia. Từ đó tôi suy nghĩ: Malaysia có Grab, Indonesia có Go-Jek, vậy tại sao Việt Nam không?

"Be" luôn lấy đối tác tài xế làm gốc

Vào thời điểm tháng 4/2018, đúng lúc Uber rút khỏi Việt Nam, nên một số anh em trong nhóm tâm huyết ngồi phân tích: Thị trường Việt đủ lớn để có vài “ông” cùng cạnh tranh chứ nếu chỉ còn một thương hiệu bao trùm, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, thao túng và giá sẽ không còn rẻ nữa. Đó cũng là lý do “be” ra đời.

Thị trường hiện vẫn đang tranh cãi về tên ứng dụng gọi xe công nghệ, vậy “be” thì sao? Trước mắt, “be” sẽ tham gia thị trường ở loại hình dịch vụ nào?

Về quan điểm, ngay từ đầu “be” khẳng định rõ, đây chính là loại hình vận tải 100%. Vì khi chưa có xe kết nối bằng công nghệ, đi từ điểm A đến điểm B, người ta vẫn gọi taxi hay xe ôm. Nay xe công nghệ cũng tương tự, chẳng qua chúng ta ứng dụng công nghệ 4.0 vào dịch vụ vận tải để tăng hiệu quả trong kết nối xe với người tiêu dùng mà thôi.

Xác định rõ là vận tải, “be” có thể sẽ chịu thiệt thòi hơn khi phải đóng thuế VAT 10%, nhưng trước hết việc làm đúng luật và nộp đủ thuế là chúng ta đóng góp cho quốc gia phát triển. Do đó ở góc độ người tiêu dùng sẽ nhìn “be” giống như các ứng dụng gọi xe khác. Còn cơ quan quản lý sẽ nhìn “be” như xe taxi, và chúng tôi sẽ kết hợp hài hòa cả hai.

Tôi tin rằng, dù đi sau, nhưng “be” vẫn có thể cạnh tranh được với những hãng đi trước chính bằng sự tử tế với tài xế và chất lượng với khách hàng.

CEO Trần Thanh Hải

Trước mắt, hai dịch vụ chính mà “be” triển khai là beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh) và beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh). Hàng chục nghìn đối tác tài xế đã được tuyển chọn và đào tạo kỹ lưỡng. Trong thời gian tới, “be” sẽ phát triển thêm dịch vụ giao hàng, chương trình khách hàng thân thiết, ví điện tử...

Hiện, trên thị trường đã có vài tên tuổi ứng dụng gọi xe công nghệ với thị phần tương đối lớn. Vậy “be” có tự tin là sẽ cạnh tranh được khi “sinh sau, đẻ muộn”?

Về thị trường, theo tôi còn đủ lớn, vì hiện tại mới chỉ tập trung ở một số thành phố lớn. Ước tính quy mô của thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam rơi vào khoảng 480 triệu USD năm 2018 (trong đó Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 93%). Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, con số này sẽ tăng lên khoảng 2 tỷ USD vào năm 2025, nên dư địa thị trường còn đủ lớn để cạnh tranh.

Quan điểm của tôi là nói ít, làm nhiều và nên tập trung vào sản phẩm và dịch vụ nhiều hơn. “be” ý thức rằng, làm khách hài lòng là tài xế, mà mất lòng khách cũng là tài xế. Trong mọi chính sách, “be” luôn lấy đối tác tài xế làm gốc. Ở góc độ cạnh tranh, thị trường càng mở càng tốt, vì giả sử chỉ có 10% thị phần, nhưng “be” vẫn muốn những gì mình làm cho tài xế và người tiêu dùng sẽ là xu hướng và thước đo chuẩn để thị trường chuyển động theo.

Cụ thể, “be” sẽ làm gì cho các đối tác tài xế?

Điều “be” tập trung đầu tiên là chú trọng bảo vệ quyền lợi và an sinh xã hội cho tài xế. Vì hiện nay tài xế thường chạy 10 -12h/ngày mới đảm bảo thu nhập, trong khi rủi ro về tai nạn giao thông tại Việt Nam là rất lớn. “be” là ứng dụng gọi xe đầu tiên xây dựng một chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 (chi phí y tế do tai nạn, trợ cấp thu nhập khi điều trị) cho toàn bộ tài xế khi tham gia cùng “be”. Hay phối hợp với đối tác ngân hàng để phát triển các gói tín dụng cá nhân nhằm hỗ trợ tài xế…

Tôi tin rằng chăm sóc tài xế tốt, họ yên tâm với thu nhập và đời sống, chắc chắn họ sẽ phục vụ khách hàng tốt hơn. Và ngược lại, khách hàng được phục vụ tận tình, chất lượng dịch vụ thì họ sẽ nhớ và ủng hộ.

Với các startup công nghệ Việt hiện nay, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn, “be” thì sao?

Tôi cho rằng vài năm trước đây, vốn là vấn đề khó với các doanh nghiệp trong nước, nhưng hiện nay, tài chính không phải là vấn đề căng thẳng vì tiềm lực trong nước không thua kém mà chỉ cần sự ủng hộ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có sự ủng hộ của người tiêu dùng, “be” sẽ đi vào chất lượng dịch vụ và chăm sóc tài xế như đã nói ở trên chứ không phải cạnh tranh bằng giá rẻ. Tuy vậy, những chuyến xe “be” sẽ không tăng giá vào giờ cao điểm mà ổn định trong mọi khung giờ giúp khách hàng yên tâm.

Vậy mục tiêu và kỳ vọng của “be” trong tương lai?

Mục tiêu hàng đầu của “be” cũng như cá nhân tôi trước hết là giúp cuộc sống của người tài xế tốt hơn, cụ thể là phải có bảo hiểm cho họ, các chế độ phúc lợi rõ ràng và xa hơn nữa mong muốn có một khung pháp lý quy định cụ thể việc bảo vệ quyền lợi cho các tài xế. Có một mục tiêu nữa, vì Việt Nam chưa có startup công nghệ nào tầm cỡ khu vực, tôi mong muốn đưa “be” thành công không chỉ ở Việt Nam mà còn có tên trên bản đồ công nghệ khu vực trong vòng vài năm tới.

Tôi tin rằng, dù đi sau, nhưng “be” vẫn có thể cạnh tranh được với những hãng đi trước chính bằng sự tử tế với tài xế và chất lượng với khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

Minh Long

Tin cùng chuyên mục

Giữ gìn và phát triển nghề truyền thống miến dong sạch Quyền Thiết - Làng So

FSEL: Học ngoại ngữ tương tác cùng AI dành cho người Việt

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao quyết định bổ nhiệm hai Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel

Quảng Ninh - Cụm công nghiệp đầu tiên của huyện Đầm Hà thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư

Tập đoàn Hùng Nhơn ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Olmix (Pháp)

Tưng bừng mừng kỷ niệm 60 năm: Bảo hiểm Bảo Việt khao đại tiệc tri ân 15 tỷ đồng

Công ty Cổ phần MISA có Tổng giám đốc mới

T&T Group và JTA (Qatar) hợp tác phát triển tổ hợp thể thao và công viên Disneyland tại Hà Nội

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm tăng trưởng 13,4%

Bảo hiểm PVI vào 'Top 50 doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc Việt Nam'

Siberian Wellness và tổ hợp sản xuất hiện đại trên toàn cầu

Hội nghị người lao động EVNNPT năm 2024: Phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo

Lãi 504 tỷ sau 9 tháng, BCG Energy (BGE) hoàn thành 98% kế hoạch lợi nhuận

Hàng hóa Nga mở rộng thị trường tiêu dùng tại Việt Nam

Xuất khẩu gặp khó, Vicostone vẫn tăng doanh thu thuần

Cơ hội nào để doanh nghiệp tăng doanh thu trong ngành công nghiệp ứng dụng?

Hội nghị chuyên đề về nhà ở công nhân lao động và chương trình nhà ở Mái ấm công đoàn

Vertu Việt Nam tiết lộ hai mẫu smartphone bán chạy nhất quý III/2024

Giải pháp nào giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn lên trong thời kỳ hội nhập?

Nhìn lại những chiếc deal triệu USD của Shark Tank Việt Nam mùa 7