Lãi suất thị trường mở giảm, chính sách tiền tệ linh hoạt hơn
- Đồng thời trong cùng tuần từ ngày 4 – 8.7.2011 ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng thêm gần 1.000 tỉ trên thị trường mở. Đây là động thái báo hiệu NHNN sẽ sử dụng thị trường mở nhiều hơn để điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt trong thời gian tới.
Chính sách tiền tệ linh hoạt hơn
Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, động thái này của NHNN đơn thuần có tính kỹ thuật nhằm điều hành chính sách tiền tệ tuy vẫn thắt chặt, nhưng linh hoạt hơn trong thời gian tới. So sánh với các công cụ điều hành lãi suất khác, lãi suất trên thị trường mở được điều chỉnh một cách thường xuyên và linh hoạt hơn rất nhiều.
Đồng thời, NHNN cũng không cần phải soạn thảo các văn bản điều hành lãi suất như đối với các công cụ lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm đối với các ngân hàng thương mại (NHTM). Tính từ đầu năm đến nay, các công cụ lãi suất chủ chốt trên mới chỉ được NHNN điều chỉnh ba lần trong khi đó, lãi suất trên thị trường mở đã được điều chỉnh bảy lần.
Việc NHNN hạ lãi suất cho vay trên thị trường mở không đồng nghĩa với mục tiêu là chính sách tiền tệ đã chuyển sang hướng nới lỏng mà ngược lại, điều này còn có thể thể hiện một tín hiệu thắt chặt hơn với việc cho vay trên thị trường. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi khi thực hiện tái cấp vốn, NHNN cho các ngân hàng vay với thời gian dài hơn chỉ với mức lãi suất 14% cho kỳ hạn 3 – 6 tháng.
Tuy nhiên, khi các khoản tái cấp vốn lần lượt đến hạn trong thời gian từ giữa tháng 7 đến tháng 9, các NHTM khi đó sẽ phải đi vay lại trên thị trường mở với lãi suất 14% cho kỳ hạn một tuần.
Như vậy, chi phí vay vốn của các NHTM thực tế đã cao hơn khi vay trên thị trường mở so với vay tái cấp vốn. Vì vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc NHNN chưa hề đưa ra tín hiệu nào về việc nới lỏng tiền tệ.
Công cụ thị trường mở thay thế hoạt động tái cấp vốn
Dựa theo giá trị thu về và bơm ra trên thị trường mở trong thời gian qua, thì có thể nhận thấy rằng NHNN đã bắt đầu thu mạnh lượng tiền cho vay ra qua thị trường mở từ cuối tháng 4.2011. Tại thời điểm này, thông tin về việc NHNN thực hiện tái cấp vốn đã bắt đầu xuất hiện. Đến thời điểm giữa tháng 5.2011, giá trị tái cấp vốn NHNN thực hiện đã lên tới khoảng 70.000 tỉ đồng. Để có thể trung hoà bớt lượng tiền bơm ra qua tái cấp vốn thì NHNN đã hút dần lượng tiền cho vay ra qua thị trường mở.
Nhiều khả năng, NHNN vẫn tiếp tục vừa thực hiện tái cấp vốn vừa thu tiền qua thị trường mở cho đến cuối tháng 6.2011, nhưng số lượng thực hiện tái cấp vốn đã giảm dần. Điều này thể hiện ở số liệu lượng tiền mà NHNN thu về trong thời điểm từ 25.4 – 3.7.2011 lên tới gần 100.000 tỉ đồng trong khi số liệu công bố đến giữa tháng 5.2011 mới chỉ ở mức 70.000 tỉ đồng.
Thời gian cho việc thực hiện tái cấp vốn thường kéo dài từ 3 – 6 tháng. Như vậy, với những khoản cho vay tái cấp vốn có thời hạn là ba tháng thì từ giữa tháng 7.2011 trở đi, sẽ có nhiều khoản tiền này tái cấp vốn đáo hạn. Nếu NHNN thu về các khoản tái cấp vốn này mà không bơm ra lượng tiền thay thế khác, thì thanh khoản của hệ thống ngân hàng chưa chắc sẽ có thể giữ được ở mức ổn định như hiện nay (giúp cho lãi suất liên ngân hàng qua đêm duy trì ở mức 11 – 12% từ đầu tháng 6 tới nay).
Do vậy, để đảm bảo cho thanh khoản hệ thống NHTM vẫn tiếp tục ổn định thì NHNN đã dần phát đi tín hiệu có thể tăng dần lượng tiền cho vay ra qua thị trường mở. Trong tuần 4 – 10.7.2011, NHNN đã bơm ròng ra thị trường 945 tỉ đồng.
Việc điều hành qua công cụ thị trường mở thay cho công cụ tái cấp vốn sẽ tăng thêm tính linh hoạt trong việc điều hành thị trường tiền tệ của NHNN. NHNN có thể chủ động điều hành lượng cung tiền hàng ngày mà không phải chờ đợi khoảng thời gian kéo dài từ 3 – 6 tháng như khi thực hiện công cụ tái cấp vốn.
Lãi suất huy động có giảm hay không?
Nhiều ý kiến cho rằng NHNN đang phát tín hiệu nới lỏng tiền tệ, bởi sau khi lãi suất OMO hạ xuống thì nhiều NHTM có động thái hạ lãi suất huy động để đón đầu chính sách. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, xu hướng giảm lãi suất huy động của hệ thống NHTM không liên quan gì tới việc giảm lãi suất OMO lần này.
Thực ra, động thái giảm lãi suất huy động không phải là xu thế chung của toàn bộ hệ thống NHTM. Trong khi một vài NHTM mạnh dạn hạ lãi suất thì nhiều ngân hàng khác vẫn phải duy trì mức lãi suất khá cao. Nhiều hình thức được sử dụng linh hoạt (tặng thưởng tiền mặt, khuyến mãi du lịch...) để tạo ra lãi suất vượt trần tại các NHTM phía Nam (TP.HCM) đưa lãi suất duy trì ở mức 16 – 16,5%.
Lãi suất huy động giảm tại một số NHTM khác hoàn toàn do các NHTM thay đổi cách quản lý chi phí. Lượng tiền huy động trong dân cư tính từ đầu năm đến ngày 20.6.2011 tăng rất chậm bất chấp việc các NHTM tăng lãi suất thu hút dòng tiền. Con số tăng vốn huy động toàn hệ thống sáu tháng đầu năm khoảng 2,88% giảm mạnh so với mức tăng 11% của năm 2010 khiến nhiều NHTM thay đổi quan điểm về huy động vốn.
Bởi nếu duy trì một mức lãi suất cao thì chi phí cho một đồng vốn huy động tăng lên nhanh trong khi những khoản tiền mới gửi vào lại không đáng kể. Đó là chưa tính đến việc, dòng tiền bị xáo trộn do người gửi tiền tiết kiệm đem gửi quanh giữa các ngân hàng. Cân đối giữa lượng tiền ít ỏi thu hút được với khoản chi phí khổng lồ từ lượng tiền gửi đang nắm giữ, nhiều NHTM đã quyết định hạ lãi suất huy động trong bối cảnh thanh khoản đã dồi dào.
Trong thông báo gần đây nhất của Chính phủ ngày 9.7.2011 thì có thể thấy rõ chính sách tiền tệ vẫn là thắt chặt. Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường kiềm chế lạm phát đảm bảo ổn định vĩ mô.
NHNN vẫn tiếp tục đặt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không quá 20% và tỷ lệ cho vay phi sản xuất giảm xuống 16% vào ngày 31.12.2011. Điều này đồng nghĩa cho dù lãi suất huy động hạ thì NHTM cũng khó cho vay ra làm cho cung tiền không thể tăng mạnh như các nhà đầu tư kỳ vọng.
Biểu hiện rõ nhất là các thị trường tài chính gần như không phản ứng với thông tin hạ lãi suất OMO. Thị trường chứng khoán – hàn thử biểu của nền kinh tế sau một phiên hồi phục đã ngay lập tức quay trở lại xu thế giảm điểm. Khối ngoại vẫn bán ròng trên sàn HoSE với giá trị lên tới gần 60 tỉ đồng trong tuần từ ngày 4 – 8.7.2011.
SGTT