Lãi suất giảm, gửi tiết kiệm kỳ hạn càng dài càng tốt
- Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ hôm 6/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố sẽ giảm trần lãi suất huy động 1%/năm trong một vài ngày tới xuống còn 13%/năm và theo kế hoạch sẽ cắt giảm lãi suất 1%/năm mỗi quý nhằm mục đích giảm tỷ lệ lạm phát xuống một con số.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng tái khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt NHNN phải công bố ngay việc giảm lãi suất ngân hàng sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Trước những thông tin về việc trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng sẽ giảm trong thời gian tới, bà Nguyễn Hồng Nhung, một người dân ở quận Ba Đình, Hà Nội nhận xét, tiết kiệm bằng tiền đồng tại ngân hàng không còn là kênh thu lời hấp dẫn nữa. Do vậy, bà đang cân nhắc việc gửi tiếp hay rút ra với khoản tiền tiết kiệm sắp đáo hạn.
Nhưng theo một chuyên gia kinh tế, về nguyên tắc, lãi suất huy động giảm là điều đáng mừng bởi kéo theo đó là lãi suất cho vay cũng giảm, doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn. Nhưng quan trọng hơn cả là hệ thống ngân hàng Việt Nam đã quay trở lại quỹ đạo truyền thống. Lãi suất tất cả các kỳ hạn tiền gửi đều quanh mức 14%/năm là dấu hiệu bất thường của thị trường tiền tệ, khiến các rủi ro về thanh khoản, rủi ro lãi suất và các rủi ro liên quan đến tài sản, công nợ của các NHTM đang lớn hơn bao giờ hết.
Chính phủ và NHNN đang hướng thị trường tiến tới đường cong lãi suất thông thường, nghĩa là mức lãi suất ngắn hạn thấp nhất, sau đó tăng dần lên và tới đoạn cuối thì đường lãi suất gần như nằm ngang. Mặc dù đường cong lãi suất là một chỉ báo, không phải là dự báo nhưng đường cong lãi suất thông thường cho thấy dấu hiệu một nền kinh tế ổn định, thị trường tài chính có xu hướng ổn định. “Người dân và các thành phần kinh tế nên nhìn nhận rõ điều này để góp phần ủng hộ chính sách của Chính phủ”, vị chuyên gia trên nói.
Lãnh đạo cao cấp một NHTM cho biết, ngoài một số ngân hàng “đón trước” chủ trương hạ lãi suất huy động đã giảm lãi suất huy động xuống một chút, còn lại hầu hết các ngân hàng đang chờ quyết định chính thức từ phía NHNN rồi mới điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Vị lãnh đạo này cũng chia sẻ, dù trần lãi suất huy động của ngân hàng có hạ xuống 13%/năm hay thậm chí xuống 12%/năm thì gửi tiết kiệm vẫn là một kênh sinh lợi an toàn, khả thi hơn so với đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ, vàng ở thời điểm này.
Theo ĐTCK