Lai Châu: Nâng cao năng lực chế biến nông sản
Trong những năm vừa qua, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển nông - lâm nghiệp. Ngay sau khi chia tách, thành lập, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, như Nghị quyết số 05-NQ/TU, dự án cánh đồng thâm canh lúa có giá trị trên 40 triệu đồng/ha... Trong từng giai đoạn, nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra các nghị quyết chuyên đề về xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bền vững.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu vừa qua cũng đã xác định rõ nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo nhưng phát triển công nghiệp để tạo giá trị và bứt phá…
Định hướng phát triển đến năm 2030: đẩy mạnh phát triển công nghiệp dựa trên 4 ngành công nghiệp chính có tiềm năng và lợi thế: Công nghiệp; công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, Cao su, chè, quế Mắc Ca, Sơn Tra. Lai Châu có lợi thế phát triển rừng, có lượng gỗ lớn, biến tỉnh và vùng thành trung tâm công nghiệp về gỗ và chế biến gỗ, phục vụ xuất khẩu nhằm đem lại giá trị gia tăng cao
Theo Sở Công Thương tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2016-2020, Lai Châu đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung, như: vùng trồng cây cao su với trên 13.000 ha; vùng chè trên 6000 ha. cây quế đã có diện tích gần 6.000 ha; cây Sơn tra gần 2.000 ha; cây Mắc ca trên 1.800 ha; Đến năm 2018 diện tích cây ăn quả đạt 5.924 ha tăng 5.557 ha so với năm 2004. Nhiều loại cây ăn quả mới có giá trị được đưa vào sản xuất như: Cam, Đào, Lê, Bơ, Nhãn, Vải, Chuối...
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 11 cơ sở chế biến nông sản (sản xuất chè), gồm: Công ty cổ phần trà Than Uyên, Công ty cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường, Công ty cổ phần chè Lai Châu, Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh, Doanh nghiệp tư nhân chế biến chè Shan, Công ty TNHH chè Hồng Đức, Công ty cổ phần trà Tân Tiến, Công ty TNHH một thành viên sản xuất & thương mại Tuấn Cường, Hợp tác xã Thành Gia, Hợp tác xã Phúc Khoa, Hợp tác xã Quyết Tiến. Nhìn chung công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay chủ yếu là chế biến chè phục vụ cho xuất khẩu và nhu cầu trong nước với quy mô vừa và nhỏ.
Lai Châu có thế mạnh về sản xuất và chế biến chè |
Riêng với ngành chè, toàn tỉnh hiện có hơn 20 công ty, doanh nghiệp và trên 50 cơ sở mini chế biến chè búp tươi đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân có diện tích hơn 5.700 ha. Các sản phẩm chè như chè xanh sao lăn, chè xanh duỗi, chè Olong… của Lai Châu chủ yếu được xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác dưới dạng đóng bao lớn sang các thị trường Trung Đông, Đài Loan (Trung Quốc).
Những năm gần đây chèxanh của Việt Nam có khoảng hơn 50% sản phẩm được xuất bán vào thị trường Trung Đông. Thị trường này rất thuận lợi cho việc xuất khẩu chè xanh bởi nhu cầu sử dụng chè nơi đây là mặt hàng thiết yếu, số lượng tiêu thụ lớn và kỹ thuật sản xuất còn dễ tính.
Do đó, UBND tỉnh Lai Châu tạo mọi điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi nhằm hạn chế việc tranh mua, tranh bán, đảm bảo chất lượng đầu vào nguyên liệu.
Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến cao su và mắc ca. Dự kiến đến năm 2025 tỉnh Lai Châu sẽ có trên 20.000 ha mắc ca, đây được xác định là một trong những sản phẩm thế mạnh, mang lại giá trị cho Lai Châu trong những năm tới đây.
Hiện Lai Châu đang có 5 doanh nghiệp, Hợp tác xã chế biến mắc ca tiêu thụ khá ổn định. Với cây cao su hiện địa phương có 12.000 ha, dù sản lượng mủ chủ yếu chuyển về các nhà máy ở địa phương khác nhưng thời gian tới Lai Châu sẽ đẩy mảnh thu hút để có nhà máy qui mô tại địa phương…
Không chỉ có những sản phẩm trên, Lai Châu còn có nững sản phẩm thế mạnh khác như thảo quả, một số loài dược liệu quí, lâm sản nguyên liệu… nên việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sẽ tạo “bệ đỡ” để thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp.
Kinh nghiệp thực tế tại tỉnh Sơn La cho thấy khi đưa công nghệ ứng dụng chế biến và bảo quản sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông sản chủ lực giúp tăng giá trị lên nhiều lần. Trong đó có công nghệ xử lý chín quả bằng khí ethylene, dành cho các loại quả có đặc tính chín sau thu hoạch như chuối, bơ, xoài... Hệ thống thiết bị tạo khí ethylene từ cồn ethanol 95%, cho chất lượng chín đồng đều, có thể ứng dụng với quy mô 5-100 tấn nguyên liệu trong một chu kỳ xử lý từ 2-3 ngày.
Những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, dược liệu cần được kết nối thông tin, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương. Các huyện, các hiệp hội, doanh nghiệp cần khai thác triệt để những doanh nghiệp, đối tác để tìm đầu ra sản phẩm.
Về phát triển công nghiệp, thời gian tới tỉnh Lai Châu định đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng của tỉnh. Cùng với thủy điện thì lĩnh vực chế biến khoáng sản, đất hiếm cũng sẽ được quan tâm. Việc phát triển công nghiệp sẽ gắn liền với phát triển thương mại, xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, tới đây khi Cửa khẩu Ma Lù Thàng chính thức công bố trở thành của khẩu quốc tế, giao thương sẽ có những thuận lợi.