Lai Châu: Chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu
Hàng hóa qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng |
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng, năm 2016 và 6 tháng năm 2017, tổng số lượt phương tiện chở hàng ra vào Cửa khẩu Ma Lù Thàng đạt 22.993 lượt xe; tổng số phí thu được đã nộp ngân sách nhà nước 70.086 triệu đồng. Giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trong 9 tháng năm 2017 đạt 9,96 triệu USD.
Nhằm phát huy lợi thế về cửa khẩu, UBND tỉnh đã triển khai quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu và coi đây là khâu đột phá trong đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng được xây dựng khang trang gồm: Nhà liên hợp, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, bến bãi, nhà kho… Tại điểm thông quan Pô Tô thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã sôi động hơn trước…
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng và UBND các huyện biên giới sửa chữa, cải tạo các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ đến cửa khẩu, lối mở biên giới. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư các kho, bãi kiểm đếm hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu và tái xuất hàng hóa. Đến nay,
toàn tỉnh có 1 kho ngoại quan và 3 địa điểm kiểm tra, giám sát hải quan đã được Tổng cục Hải quan công nhận.
Hiện, tại cửa khẩu có nhiều doanh nghiệp hoạt động tương đối hiệu quả, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Cụ thể, năm 2017, có 31 doanh nghiệp được UBND tỉnh công bố lựa chọn tạm nhập, tái xuất hàng hóa qua lối mở và cửa khẩu phụ thì doanh nghiệp có số lượt tái xuất nhiều nhất qua lối mở là Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Nghĩa Anh (Lào Cai) với 528 lượt, số phí đã nộp 3.450,3 triệu đồng; Công ty TNHH Nhã Phương (Quảng Ninh) thực hiện 487 lượt tái xuất mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhiều nhất, số phí đã nộp 1.797 triệu đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, hệ thống tuyến đường giao thông từ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đến cửa khẩu, lối mở phần lớn là nhỏ, hẹp và thường sạt lở vào mùa mưa gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hàng hóa của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Trung Quốc thường xuyên điều chỉnh chính sách biên mậu, thắt chặt hàng rào thuế quan, việc thông quan hàng hóa không ổn định, nên lượng phương tiện, hàng hóa ùn tắc tại Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng và lối mở Pô Tô có lúc tương đối lớn, ảnh hưởng đến an ninh trật tư, vệ sinh môi trường.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng đề nghị tỉnh quan tâm phân bổ nguồn ngân sách, đặc biệt là nguồn thu từ phí, lệ phí hạ tầng cửa khẩu để đầu tư nâng cấp các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ đến cửa khẩu biên giới, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động quản lý của các lực lượng chức năng.
Ban quản lý, Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng cũng đã tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin kịp thời các chính sách biên mậu, đàm phán cho phép thông quan hàng hóa một số lối mở. Đồng thời cần đầu tư về cơ sở hạ tầng đáp ứng lượng lớn xe trọng tải dừng, đỗ tại cửa khẩu và có cơ chế quản lý sử dụng phí, lệ phí hiệu quả. |