Quản lý, cấp phép khai thác vàng tại tỉnh Hà Giang Khai thác vàng nhờ… cây bạch đàn |
Rừng Khu Há (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đang ngày đêm bị những kẻ mộng vàng cày xới, "xẻ thịt". Ảnh: AT |
Lần theo dấu vết
Xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là một xã vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh. Cách trung tâm TP.Lai Châu khoảng 20km, Khun Há nổi tiếng với bản du lịch cộng đồng Lao Chải mang đậm nét văn hoá riêng biệt của vùng đất có 100% đồng bào người Mông sinh sống.
Lao Chải đẹp nên thơ thế nhưng ít ai biết được khi cùng mảnh đất ấy, ngược đỉnh núi thẳm, tiến sâu vào thêm khoảng 2h đi bộ nữa, cắt rừng già, có bản Chèn Thầu. Nơi đó, hàng trăm ha rừng đang bị đào qua, hất lại; những gàu máy xúc vục sâu hoắm xuống đất thịt rừng già, máy nổ ầm ì ngày đêm...
Xay đất đá tìm vàng. |
Sau hơn 30 phút di chuyển từ trung tâm TP.Lai Châu, tôi (PV) dừng chân tại chân núi Khun Há, vừa khoát tay ra hiệu một người (bản địa) dẫn đường chỉ vào chiếc xe win Trung Quốc nói gọn lỏn: "Đi thôi".
Sau câu nói ấy, chiếc xe máy ì ạch lăn bánh, đi được 5 phút, con đường lởm chởm đá núi, to nhỏ đủ kích thước hiện ra, dốc cứ ngược lên khiến chiếc xe máy "bò" thêm chậm chạp. Người dẫn đường - Chang A Nhà (SN 1983) phải về số 1, liên tục bóp nhả côn xe mới có thể qua đoạn đường xấu. Có lúc người ngồi sau phải xuống đẩy xe máy vượt lên.
Đến bên bờ suối sau 1 giờ di chuyển xe máy, Chang A Nhà nói: "Đoạn này bắt đầu có những lán trại làm vàng rồi, đường từ đây xấu lắm phải đi bộ thôi".
Nước suối vàng quạch lại vì ô nhiễm từ đầu nguồn. |
Hiện ra trước mắt PV một khung cảnh hoang tàn nhếch nhác, bộ khung lán trại chỉ còn trơ cây gỗ, những tấm bạt cuộn tròn đốt vội nham nhở, vật dụng bàn ghế, dép, quần áo... của những phu vàng ném la liệt trước khi tiến lâu hơn nữa vào lõi rừng đào bới.
Ngay cạnh lán cũ, một con suối rì rào chảy mạnh nhưng nước ở đây đã chuyển sang màu vàng khè của đất núi - "đất vàng". Thấy sự ngạc nhiên hiện rõ trên mặt người đi cùng, A Nhà nhấn vai tôi bộc bạch: "Vàng đấy, bây giờ họ làm lên tận đầu nguồn suối rồi, nghiền hay xay, đãi... nước vàng quánh cả ra là vì vậy".
Một hầm vàng bị bỏ hoang khi bên trong đã hết kim loại quý. |
Tiến sâu hơn nữa vào rừng, Nhà vừa đi vừa kể lại chuyện rừng trên đỉnh Khun Há, đã bị "vàng tặc" tàn phá thế nào.
Theo đó, rừng Lao Chải 2, Chèn Thầu, một phần của xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ) được các "chủ bưởng" phát hiện ra có vàng cách đây đã ngót nghét 30 năm. Bản thân Nhà năm 2010 cũng từng làm phu vàng tại khu vực này.
Tan tác rừng già
Tại đây có rất nhiều bãi khai thác: Bãi sa khoáng, bãi 1, 2, 3... của các chủ bưởng quyền lực như Hoà (người TP.Lai Châu), Thắng (người Phú Thọ)... sở dĩ có nhiều tên bãi như vậy do tập tính khai thác.
Các đội nhóm của chủ bưởng sẽ đào bới một vị trí, thấy có dấu hiệu của vàng, họ sẽ tiến hành đào hang sâu theo dấu vết, khi thấy hết trữ lượng hoặc "hết mạch vàng" sẽ lập tức nhổ trại đi ngay.
Con đường được “chủ bưởng” Hoà tự cho máy xúc xẻ đồi, đốn hạ cây xanh để mở ra. |
"Họ cứ tung tác làm thôi, nhiều năm nay chỉ vài lần kiểm tra mà có kiểm tra họ cũng như được báo trước. Máy móc và con người rút bớt đi chỗ khác, chờ kiểm tra xong thì lại quay lại làm" - Nhà chua xót nói.
Khi phu vàng rút đi, những "vết thương" của rừng già để lại. Đất khắp nơi bị đục khoét, cây cối bị đốn hạ đất quặng lẫn cùng vàng đào lên rồi đổ tràn ra khắp ngả, rác thải khắp nơi cùng những ùng ao sàng lọc đãi vàng.
Câu chuyện với Nhà thi thoảng bị ngắt quãng khi nhiều cành cây rậm rạp đập vào mặt PV, lối đi rất nhỏ rộng chừng 20cm cây cỏ 2 bên tua tủa cao quá đầu người cứ thế đan vào nhau ngáng đường.
Một hầm vàng đang được khai thác. |
Đồng hồ điểm 16 giờ (hơn 2 giờ di chuyển cả bằng xe máy và leo bộ), Nhà dẫn tôi đến được bãi khai thác sa khoáng của chủ bưởng vàng tên Hoà. Khắp lán trại chỉ có 1 người trông coi, còn lại hơn 10 lao động đang toả đi khắp ngả đào đất tìm vàng.
Lù A Páo - phu vàng của chủ bưởng Hoà - cho hay: "Có hơn 10 anh em làm ở đây. Chỗ này hết vàng rồi nên ông Hoà đang làm đường lên trên bãi trên kia, cao với mới hơn".
“Phu vàng” đang xay đãi đất quặng. |
Bên trong lán, các sạp lớn chạy dài theo chiều dọc trên đó là những chăn màn, balo... quần áo của phu phen vắt ngang vắt dọc. Toàn bộ lán ước chừng 70m2, theo lời Páo, mỗi tháng làm ở đây, trung bình các phu vàng được chủ trả 7 - 8 triệu đồng, nhưng cũng không thể nhận về tay đầy đủ.
"Họ thường giữ lại 1 - 2 triệu đồng để mình tiếp tục làm cho họ, thường họ không trả hết đâu" - Páo thủ thỉ nói.
Sau câu chuyện, Páo dẫn PV ra một con đường đất giữa rừng được san gạt bằng máy. Cũng theo chia sẻ của Páo, chủ bưởng Hoà là người đầu tiên mang được máy xúc vào khu rừng, đi đến đâu máy bạt đồi, chặt cây mở đường tới đó.
“Chủ bưởng vàng” tên Hoà với khẩu súng tự chế bên hông. |
Nhìn từ trên cao, con đường như một "vết thương lớn" hằn sâu vào mảng xanh của rừng, bám ngoằn ngoèo vào quả đồi, cây cối, đất đá bị "tróc thịt" ra hết cả. Trên mặt đất in hằn rõ vết bánh xích xe cẩu - máy xúc.
Cũng tại con đường này, chúng tôi giáp mặt chủ bưởng vàng tên Hoà, lăm lăm khẩu súng tự chế trong tay. Người đàn ông trong bộ đồ rằn ri này hất hàm nói cộc lốc: "Vàng đầy trong đất, vào mà đào".
Việc "vàng tặc" tung tác nhiều năm qua tại Khun Há khiến nhiều người dân băn khoăn khó hiểu về năng lực quản lý của các cấp chính quyền nơi đây.
Ngày 15.9, trao đổi với Lao Động, ông Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường - khẳng định: "Toàn bộ khu vực xã Khun Há chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác vàng, chúng tôi sẽ phối hợp cơ quan Công an khẩn trương kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác vàng kể trên". |