Kỳ vọng lớn ở Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu
Đó thực sự là những ngày không thể nào quên với hình ảnh từng đoàn người rồng rắn nối đuôi nhau xếp hàng chờ mua từng lít xăng. Nhiều cây xăng đóng cửa dừng bán hàng. Người tiêu dùng “dở khóc dở cười” khi có tiền cũng không mua được xăng. Xăng trở thành nguồn “vàng đen” đúng nghĩa khi thực sự khan hiếm.
“Cú sốc” xăng dầu trong năm 2022 đã tạo ra một khái niệm mới: “Dị biệt”. Điều “dị biệt” ấy không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới khi chiến sự cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự trả đũa của Nga đã dẫn đến đổ vỡ trong các mối quan hệ cung cấp dầu khí vốn đã tồn tại trong nhiều thập niên, tạo áp lực đè nặng với nguồn cung dầu khí toàn cầu. Giá dầu thô có lúc lên rất cao và xuống cũng rất thấp, khiến những văn bản quy phạm pháp luật vốn vận hành rất “trơn tru” trong điều kiện bình thường trở nên không thể theo kịp những diễn biến rất “dị biệt” của thị trường.
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, vì vậy các chính sách của cơ quan quản lý nhận được sự quan tâm rất lớn |
Trong những ngày nước sôi lửa bỏng đó, một trong những điều khiến tôi ấn tượng nhất là bên cạnh những cuộc họp liên tục của Bộ Công Thương với các thương nhân đầu mối, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra, kiểm soát xăng dầu, Bộ Công Thương cũng nhiều lần đề cập đến việc sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP năm 2021 vì mặc dù mới chỉ ban hành được hơn 1 năm, song những biến động khó lường, “dị biệt” trên thị trường thế giới đã khiến một số quy định trong Nghị định này không còn phù hợp. Chính phủ cũng rốt ráo với vấn đề này và đồng ý cho phép Bộ Công Thương xây dựng một nghị định mới theo thủ tục rút gọn.
Và dù còn nhiều khó khăn, tranh cãi, song đến tháng 11/2023, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu. Nghị định ra đời ở thời điểm đó đã được các chuyên gia đánh giá là bước tiến trong quản lý kinh doanh xăng dầu khi có nhiều điều khoản cập nhật.
Tuy nhiên, những biến động tiếp theo của thị trường khiến một văn bản xây dựng theo quy trình rút gọn không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển nói chung. Đây là lý do các cơ quan soạn thảo vừa thực hiện Nghị định 80, vừa tiếp tục xây dựng một văn bản mới, dựa trên việc kế thừa những điểm tích cực của Nghị định 80, đồng thời, phù hợp với xu hướng thế giới, có thể mang lại nhiều lợi ích về lâu dài đối với hoạt động quản lý nhà nước, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo tôi, dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định mới đây có những điểm tích cực như:
Thứ 1, dự thảo để doanh nghiệp (đầu mối, phân phối) tự tính toán và công bố giá, quyết định giá bán lẻ, Nhà nước sẽ không điều hành giá nhiên liệu.
Cụ thể, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, Premium được công bố trên thị trường quốc tế tính bình quân 7 ngày/lần theo số ngày có giá xăng dầu thế giới; chi phí vận tải xăng dầu về Việt Nam, chi phí bảo hiểm đưa xăng dầu về Việt Nam được tính bình quân 1 quý/lần (được rà soát, điều chỉnh khi có biến động bất thường); lợi nhuận định mức.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, chi phí kinh doanh định mức (biến động hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, rà soát lại 3 năm/lần hoặc khi có biến động bất thường) để tự tính toán, công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) của thương nhân trên thị trường.
Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại Nghị định. Thương nhân sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.
Như vậy, với quy định này, nút thắt lớn nhất của “cơn khủng hoảng” xăng dầu năm 2022 đã được giải phóng. Bởi lẽ, năm 2022, một trong những lý do khiến đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu là doanh nghiệp phản ánh Nhà nước tính giá chi phí không sát với chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp bị lỗ. Do đó, quy định cho phép tự tính toán và công bố giá sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc kinh doanh của mình. Doanh nghiệp nào khéo tính toán chi phí thì sẽ có lợi nhuận cao và ngược lại, doanh nghiệp nào có chi phí cao thì sẽ không có lợi nhuận. Đây là bài toán bình thường của thị trường.
Tuy nhiên, cho doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá không phải là “thả nổi” bởi “giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại Nghị định. Doanh nghiệp buộc “phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát”.
Như vậy, giá xăng dầu đã có giá trần, doanh nghiệp được chủ động tính toán và công bố giá dưới mức trần đó, đồng thời phải báo cáo thường xuyên với cơ quan quản lý. Đây là “sợi dây” để cơ quan quản lý nhà nước giữ giá xăng dầu trong tầm kiểm soát, không để doanh nghiệp tự ý công bố giá tuỳ tiện, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Thứ 2, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện tại, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo Luật Giá 2023.
Đây là điểm tích cực bởi Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện là một trong hai công cụ để nhà nước điều hành giá xăng dầu (công cụ còn lại là thuế, phí). Quỹ bình ổn không phải là tiền của nhà nước hay doanh nghiệp mà được hình thành từ nguồn tiền của người dân, được tính chung vào giá bán xăng dầu, trích lập lúc giá xăng dầu còn thấp và đưa ra sử dụng khi giá xăng dầu lên cao.
Thời gian qua, Quỹ này được đặt ở doanh nghiệp và có nhiều doanh nghiệp sử dụng sai mục đích. Đau lòng hơn, có doanh nghiệp lại sử dụng nguồn quỹ này để “đút lót” cho các cơ quan quản lý nhà nước để “lobby” chính sách, gây nên những sự việc hết sức đau lòng. Do đó, việc đưa Quỹ này lại cho ngân sách nhà nước là việc làm đúng đắn!
Điểm mới là Quỹ bình ổn sẽ không sử dụng thường xuyên, mà khi giá xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng biện pháp bình ổn gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương để thực hiện.
Trong bối cảnh giá xăng dầu vẫn là mặt hàng quan trọng, tác động đến hàng loạt hàng hoá khác, cần công cụ của nhà nước để quản lý, đây là quan điểm đúng đắn của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, với quy định này, giá xăng dầu cũng sẽ từng bước tiến tới vận hành theo quy luật của thị trường thế giới.
Thứ ba, với thương nhân phân phối, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất nhóm này chỉ được mua xăng dầu từ đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.
Được biết, cả nước có khoảng 298 thương nhân phân phối xăng dầu (con số của Bộ Công Thương tính đến tháng 6/2024), trong khi đó số thương nhân đầu mối là hơn 30. Nếu như cho phép các thương nhân phân phối xăng dầu mua hàng của nhau, việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng xăng dầu sẽ khó khăn.
Trong khi đó, hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả còn diễn biến phức tạp. Dù số vụ việc bị phanh phui tuy nhiều, song có thể đâu đó vẫn còn những vụ việc chưa được phát hiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hệ thống phân phối xăng dầu Việt Nam. Do đó, việc Bộ Công Thương đề xuất thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ các đầu mối nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn hàng, bảo vệ cho người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bên cạnh đó, quy định này nhằm minh bạch hóa thị trường kinh doanh xăng dầu, loại bỏ việc mua bán lòng vòng, làm đội thêm chi phí, tăng giá thành, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra lấy ý kiến đều có những tranh luận khác nhau. Tuy nhiên, những điều khoản nào là tích cực thì nên được xem xét một cách công tâm trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung. Bởi, bài học khủng hoảng xăng dầu năm 2022 vẫn còn đó. Thị trường xăng dầu Việt Nam dù liên thông với thế giới, song vẫn vận hành theo thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Nếu không có được những quy định thực sự chặt chẽ, tiến bộ, thị trường xăng dầu có thể sẽ lại đi vào “vết xe đổ” nếu như có khủng hoảng xảy ra.
Và xét cho cùng, một văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng thành công sẽ không thể chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm đối tượng mà phải hài hoà lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.